Ủy ban Xã hội của Quốc hội họp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự án Luật BHXH (sửa đổi)

03/05/2024 10:10 PM


Trong 2 ngày 3-4/5, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 12 xem xét, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực phụ trách của Ủy ban, chuẩn bị công tác phục vụ Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, đây là Phiên họp có khối lượng công việc tương đối lớn, xem xét, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực phụ trách của Ủy ban Xã hội, để chuẩn bị phục vụ Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Cụ thể, về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Xã hội sẽ tiến hành thẩm tra đối với Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Đồng thời, thảo luận, cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Phiên họp của Ủy ban Xã hội thảo luận về Dự án Luật BHXH (sửa đổi)

"Đây là Dự án Luật tương đối khó và phức tạp, nên Ủy ban Xã hội đã thực hiện tương đối cẩn trọng, kỹ càng để vừa bảo đảm chính sách BHXH đi đúng đường lối, chủ trương của Đảng, vừa đáp ứng yêu cầu được bảo đảm an sinh xã hội của người dân, NLĐ. Mặt khác, cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Xã hội xem xét, cho ý kiến thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; tham gia thẩm tra, góp ý kiến với một số dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7"- bà Thúy Anh nhấn mạnh.

Về công tác giám sát, phiên giải trình về “trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng” sẽ diễn ra vào sáng 4/5/2024. Đây là phiên giải trình đầu tiên của Ủy ban Xã hội khóa XV với nội dung đang được xã hội và cử tri rất quan tâm hiện nay về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Ủy ban Xã hội cũng sẽ thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; cho ý kiến Dự thảo Báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về dược.

Ngoài ra, Ủy ban Xã hội cũng sẽ cho ý kiến tham gia thẩm tra các Báo cáo: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán NSNN năm 2023, kết quả thực hiện Kế hoạch, dự toán những tháng đầu năm 2024 và dự kiến đến cuối năm 2024; kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 thuộc lĩnh vực của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế phụ trách.

Ông Đặng Thuần Phong- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội trình bày Báo cáo tại Phiên họp

Ngay sau khai mạc, Ủy ban Xã hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), ông Đặng Thuần Phong- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, về điều kiện người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH, chưa đủ 20 năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần (Điểm đ, Khoản 1 Điều 74 và Điểm đ, Khoản 1 Điều 107), ngoài các trường hợp giải quyết hưởng BHXH một lần tương tự quy định tại Điều 60 của Luật BHXH hiện hành, đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần, Dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án.

Đa số ý kiến trong quá trình chỉnh lý, góp ý Dự thảo Luật cho rằng, phương án 1 do Chính phủ trình có ưu điểm như: Cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội (không làm ảnh hưởng nhiều đến khoảng 18 triệu người đang tham gia BHXH); hướng tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về BHXH; hạn chế được tình trạng một người tham gia BHXH có nhiều lần hưởng BHXH một lần thời gian qua (giai đoạn 2016-2022 đã có gần 25% số lượt người rút BHXH một lần đã rút từ 2 lần trở lên).

Về lâu dài, nếu quy định theo phương án 1 sẽ góp phần giúp tăng số người được thụ hưởng các chế độ BHXH từ chính quá trình tích lũy thông qua tham gia BHXH của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội cũng như NSNN sau này khi phải cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách, chế độ mang tính chất bảo trợ xã hội. Điểm hạn chế của phương án này là còn có sự so sánh giữa những NLĐ tham gia trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực. Tuy nhiên, Dự thảo Luật được xây dựng theo hướng cải cách và mang tính cách mạng, nhằm thể chế hóa toàn diện quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, nên sẽ không thể tránh khỏi việc có sự khác nhau giữa các nhóm đối tượng trước cải cách và nhóm đối tượng sau cải cách.

Về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc và biện pháp xử lý, tiếp thu ý kiến ĐBQH về việc áp dụng các chế tài xử lý, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: Chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn, bởi việc áp dụng chế tài này đồng nghĩa với việc DN dừng mọi hoạt động kinh doanh, không còn cơ hội tạo nguồn thu và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của DN. Từ đó, vô hình chung sẽ ảnh hưởng tới cả NLĐ, thậm chí khiến NLĐ mất việc làm, mất nguồn thu nhập. Bên cạnh đó, cũng chưa có giải pháp hỗ trợ DN từng bước khắc phục việc chậm đóng và chưa xử lý được vướng mắc khi DN chậm đóng, trốn đóng BHXH nhưng vẫn phát sinh và duy trì nghĩa vụ nộp thuế.

Dự thảo Luật cũng quy định chế tài tạm hoãn xuất cảnh theo hướng dẫn chiếu quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; cũng như bổ sung Khoản 2, Điều 140 để sửa đổi, bổ sung Điểm d, Khoản 1, Điều 28 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47/2014/QH13) theo hướng bổ sung đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh như sau: “Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc người đại diện cho tổ chức đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về BHXH”.

Ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát biểu ý kiến về việc chỉnh lý các quy định của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)

Phát biểu ý kiến về việc chỉnh lý các quy định của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, về nội dung quy định liên quan đến điều kiện hưởng BHXH một lần, mục tiêu đặt ra là giữ chân được NLĐ, hạn chế tối đa việc rút BHXH một lần nhưng vẫn bảo vệ đầy đủ quyền, lợi ích của NLĐ. Đối với nội dung này, Chính phủ trình 2 phương án. Theo phương án 1, NLĐ được chia làm 2 nhóm: Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng BHXH một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với NLĐ (NLĐ tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực- dự kiến trước thời điểm 1/7/2025).

Sự khác biệt của Dự thảo Luật với quy định hiện hành là, nếu NLĐ lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần, thì khi đến tuổi nghỉ hưu mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu (có tích lũy thời gian đóng BHXH không đủ 15 năm) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, thì có thể được lựa chọn hưởng các quyền lợi bổ sung (hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính phần bảo lưu của mình trong thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến trước tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (75 tuổi); trong thời gian này thì được NSNN đóng BHYT và nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng...). Dự thảo Luật vẫn quy định, nếu NLĐ không nhận trợ cấp hằng tháng, thì nhận BHXH một lần- nhưng sẽ mất đi cơ hội được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên. Trong khi đó, với nhóm 2- NLĐ tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi, thì không được áp dụng quy định này.

Theo phương án 2, NLĐ được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH. “Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên ngành, nghiên cứu sâu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Qua đó thấy rõ, mỗi phương án đều có nhưng ưu điểm, khuyết điểm đặc thù, song có nhiều ý kiến cho rằng, quy định như phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn, phù hợp hơn với tình hình hiện tại”- ông Dung nhấn mạnh.

Tại Phiên họp, các đại biểu đã phát biểu, trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các nội dung quan trọng của Dự thảo luật như: Chậm đóng BHXH bắt buộc, trốn đóng BHXH bắt buộc và biện pháp xử lý; cơ chế đặc thù để bảo vệ NLĐ trong trường hợp người SDLĐ không còn khả năng đóng BHXH cho NLĐ; BH hưu trí bổ sung; khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về BHXH của cơ quan hành chính nhà nước...

Kết luận nội dung thảo luận, bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các đại biểu, cũng như đại diện các cơ quan hữu quan nhằm đảm bảo Dự án Luật đạt chất lượng cao, đáp ứng các mục tiêu đề ra khi xây dựng, sửa đổi luật. Đồng thời, bà Thúy Anh cũng cho biết, các ý kiến này sẽ là cơ sở để tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật, để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.

Tạp chí BHXH