Chính sách BHYT là cứu cánh của người dân khi đi KCB

22/10/2021 11:00 PM


Chiều 22/10, trong phiên thảo luận tại tổ về chính sách BHYT và việc quản lý quỹ BHYT, nhiều ĐBQH cho rằng, chính sách BHYT giúp người dân, người nghèo khó khăn được tiếp cận DVYT. Đồng thời, BHYT cũng chính là cứu cánh của người dân khi đi KCB, đặc biệt trong bối cảnh giá các DVYT, thuốc điều trị ngày càng tăng cao.

Quỹ BHYT vẫn đảm bảo cân đối

Báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHYT năm 2020, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã cơ bản hoàn thành xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHYT. Các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành được ban hành đầy đủ, kịp thời và thường xuyên được cập nhật, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT; đồng thời quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT. Hết năm 2020, số người tham gia BHYT là 87,96 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số, trong đó NSNN đóng và hỗ trợ mức đóng cho trên 51 triệu người, chiếm 58%.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội cho thấy, chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT theo Nghị quyết số 68 đã hoàn thành từ năm 2016, trước 4 năm so với quy định. Và đến năm 2020, đã có 90,85% dân số tham gia BHYT- vượt 10,85% so với chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia BHYT cao tập trung chủ yếu ở nhóm được NSNN đóng hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT, nhóm NLĐ thuộc khối hành chính sự nghiệp hoặc nhóm được quỹ BHXH đảm bảo kinh phí mua thẻ. Nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình chỉ đạt tỷ lệ bao phủ 76,5% tổng số người thuộc diện tham gia. Từ năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT tại một số địa phương bị ảnh hưởng; một số DN phải dừng hoạt động, giải thể, dẫn đến xảy ra tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng BHYT; cũng như một số người không có điều kiện để tiếp tục tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Bên cạnh tỷ lệ bao phủ BHYT tăng, năm 2020, cả nước có hơn 167 triệu lượt KCB, giảm hơn 10% so với năm 2019, trong đó số lượt KCB nội trú giảm khoảng 11%, ngoại trú giảm khoảng 9%, nhưng chi phí KCB BHYT chỉ giảm khoảng 2% so với năm 2019. “Số chi KCB BHYT giảm không tương ứng với số lượt giảm do thời gian điều trị nội trú kéo dài, do địa phương hoặc cơ sở y tế bị phong toả nên không thực hiện được việc chuyển bệnh nhân giữa các tuyến, kể cả trường hợp đã được điều trị ổn định. Đặc biệt, do dịch Covid-19, nên người dân chỉ nhập viện khi tình trạng diễn biến nặng dẫn đến điều trị phức tạp, tốn kém hơn; việc kê đơn phát thuốc tăng từ 60-90 ngày/lần nên chi phí thuốc ngoại trú không giảm...”- ông Long phân tích.

Về tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHYT năm 2020, bà Nguyễn Thuý Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhận định, tổng thu quỹ BHYT năm 2020 là 110.395 tỷ đồng; chi BHYT là 104.220 tỷ đồng. Như vậy, tổng số thu quỹ BHYT lớn hơn tổng số chi quỹ trên 5.000 tỷ đồng và dự kiến số dư quỹ BHYT lũy kế đến cuối năm 2020 là 32.991 tỷ đồng. “Ủy ban Xã hội cho rằng, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội, nhiều DN ngừng sản xuất, NLĐ không có việc làm. Các tỉnh, thành phố cũng gặp khó khăn trong bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho một số đối tượng theo quy định; các đơn vị SDLĐ, người dân gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh... dẫn đến công tác thu BHYT gặp nhiều khó khăn”- bà Thuý Anh khẳng định.

Các ĐB thảo luận tại tổ về quản lý và sử dụng quỹ KCB BHYT

Cùng với đó, một số địa phương được giao dự toán chi BHYT chưa sát với thực tế chi phí KCB BHYT; tình trạng một số cơ sở thiếu kinh phí KCB BHYT vào các tháng cuối năm, nhưng việc điều chỉnh dự toán tại địa phương trong năm còn chậm; việc quy định tổng mức thanh toán với các yếu tố xác định chưa phù hợp với thực tiễn. “Việc cân đối quỹ BHYT vẫn được bảo đảm do Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chi từ quỹ BHYT. Tuy nhiên, vẫn còn các khó khăn, thách thức cần giải quyết như: Số người tham gia BHYT tăng nhưng phần lớn được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng theo mức lương cơ sở nên số thu vào quỹ thấp; mức đóng không thay đổi trong khi phạm vi, quyền lợi hưởng chế độ BHYT ngày càng được mở rộng; tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT của một số chủ SDLĐ vẫn xảy ra; ở hầu hết các địa phương vẫn còn tư tưởng chỉ khi ốm đau mới tham gia BHYT”- bà Thuý Anh nói.

Cứu cánh của người dân khi KCB

Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, BHYT giúp người dân, người nghèo khó khăn tiếp cận, đảm bảo cơ chế tài chính cho công tác KCB. Thời gian qua đã thể hiện rõ điều này, hầu hết các đối tượng yếu thế trong xã hội đã được quan tâm. Quỹ BHYT đều chi trả 100% cho các dịch vụ, nên người bệnh không phải trả thêm tiền- đây là chính sách ưu việt của Nhà nước ta đối với việc chăm sóc sức khỏe người dân. Đối với BHYT, Việt Nam mặc dù đi sau các nước trên thế thế giới, khởi động BHYT muộn hơn so với các nước, nhưng chúng ta tăng nhanh độ bao phủ đối với BHYT. Đến năm 2020, độ bảo phủ BHYT của nước ta đạt 90,85%, tăng rất nhanh, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, chính sách BHYT ngày càng mở rộng phạm vi, quyền lợi được hưởng; mức đóng của Việt Nam ở mức độ trung bình thấp đối với các nước, nhưng các DVYT chất lượng thì hầu hết người dân được hưởng; phạm vi hưởng cao hơn nhiều so với mức đóng BHYT. “Ngành Y tế xác định, coi BHYT là một trong những trụ cột, vấn đề an sinh xã hội đặc biệt quan trọng đối với người dân, đặc biệt là những NLĐ, người nghèo, người yếu thế. Hiện, Bộ Y tế đang chuẩn bị báo cáo trình Chính phủ, Quốc hội về Luật BHYT sửa đổi. Cùng với đó, việc đảm bảo tính bền vững, mở rộng đối tượng tham gia của người đóng BHYT là vấn đề vô cùng quan trọng, chúng ta theo nguyên tắc đóng-hưởng chia sẻ rủi ro, thì phải có nhiều người đóng, bao phủ hầu hết dân số, thì chia sẻ rủi ro nhiều hơn cho những người khó khăn. Tới đây, Luật BHYT sửa đổi sẽ sửa theo hướng tất cả người dân phải được tiếp cận với dịch vụ BHYT”- ông Long thông tin.

ĐB tham gia thảo luận tại tổ

ĐB Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) cũng cho rằng, BHYT chính là cứu cánh của người dân khi KCB. Đặc biệt, trong bối cảnh giá các DVYT, thuốc điều trị ngày càng cao hơn so với những giai đoạn trước đó, việc tham gia BHYT trong thời gian qua đạt vượt mục tiêu khi chúng ta thực hiện chuyển tham gia BHYT với tinh thần là BHYT bắt buộc chứ không phải tự nguyện. Do vậy, mọi người dân đều có thể tiếp cận được BHYT. Các nhóm đối tượng cũng được NSNN hỗ trợ. Ủy ban Xã hội đề nghị thời gian tới có một Nghị quyết về nâng cao đầu tư cho y tế cơ sở. Đặc biệt, qua dịch Covid-19 càng thấy nhu cầu cần được đầu tư, nâng cao cơ sở vật chất y tế cơ sở; cũng như cần điều chỉnh mức đóng BHYT. “Nếu không có nguồn của ngân sách hỗ trợ, một số nhóm người dân tham gia rất khó khăn, nhất là nhóm hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách hay gia đình nông nghiệp có mức sống khó khăn”- ĐB Quý cho biết.

Tiếp tục hỗ trợ một số nhóm tham gia BHYT

Thảo luận về chính sách này, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng, vừa qua Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 861 phê duyệt danh sách xã thuộc khu vực II, III và khu vực I thuộc khu vực vùng DTTS giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định số 433 thay thế Quyết định số 612 xác định xã và thôn ĐBKK. Như vậy, thực tế còn hơn 1.832 xã với 2,1 triệu đồng bào nay không còn được NSNN hỗ trợ mua thẻ BHYT nên rất khó khăn. “Để đảm bảo quyền lợi đồng bào DTTS trong KCB BHYT, trong năm 2021, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ mua BHYT cho nhóm đối tượng này- việc này có thể thực hiện được, do đã bố trí dự toán ngân sách từ đầu năm 2022).

ĐB K’Nhiễu (Lâm Đồng) cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp tục có chính sách hỗ trợ đóng BHYT đối với đồng bào DTTS đã thoát khỏi vùng khó khăn, ĐBKK theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, các cơ quan chức năng nghiên cứu các biện pháp để sớm đảm bảo cho các đối tượng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS được bao phủ BHYT, thực hiện trọn vẹn ý nghĩa của công tác an sinh xã hội toàn dân.

Trong khi đó, theo ĐB Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng), chính sách BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Số người tham gia BHYT ngày càng tăng, quyền lợi của người bệnh được bảo đảm, chất lượng KCB ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, tỷ lệ BHYT cao tập trung ở nhóm NSNN đóng hoặc hỗ trợ mua BHYT; trong khi nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình mới đạt 76,5%; một bộ phận lao động tự do, người yếu thế, người nghèo chưa có điều kiện tiếp cận BHYT.

Vì vậy, ĐB Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, chính sách BHYT cần quan tâm đến đối tượng người cao tuổi, tiếp tục chính sách hỗ trợ 100% phí BHYT đối với người cao tuổi thuộc hộ nghèo; nâng mức hỗ trợ từ 75-100% phí BHYT đối với người cao tuổi thuộc hộ cận nghèo; cân nhắc tăng, hạ độ tuổi người cao tuổi từ 80 tuổi còn 75 tuổi. Đồng thời, Chính phủ cũng nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho hộ nông-lâm-ngư nghiệp có mức sống trung bình lên 50%; nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng HSSV từ 30% lên 50%...

Tạp chí BHXH