Tích hợp CCCD gắn chip với dữ liệu thuế, BHYT, giấy phép lái xe

13/12/2021 07:24 AM


Thúc đẩy triển khai thực hiện kết nối, chia sẻ giữa CSDLQG về dân cư với các CSDLQG, CSDL chuyên ngành. Đây là một trong những nội dung được nhấn mạnh trong Thông báo số 331/TB-VPCP ngày 10/12/2021 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an thúc đẩy triển khai Quyết định số 1911/QĐ-TTg về việc thực hiện kết nối, chia sẻ giữa CSDLQG về dân cư với các CSDLQG, CSDL chuyên ngành. Tập trung trong tháng 12/2021 tổ chức kết nối với CSDL về thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, BHYT để tích hợp thông tin vào thẻ căn cước công dân gắn chip phục vụ tiện ích cho người dân; chuẩn bị nền tảng dữ liệu để tích hợp vào CSDLQG về dân cư để cung cấp định danh và xác thực điện tử.

Tập trung xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong tháng 12/2021; Nghị định về Dịnh danh và xác thực điện tử và Quy chế quản lý, vận hành, khai thác CSDLQG về dân cư trước tháng 5/2022. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an làm việc cụ thể với Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để nghiên cứu, tham mưu một số vấn đề liên quan tới việc sửa đổi, bổ sung Luật CCCD; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Công an phát triển, sử dụng các ứng dụng trên thẻ CCCD và ứng dụng VNEID trên nền tảng công nghệ sinh trắc học để cung cấp các dịch vụ định danh, xác thực điện tử trong thanh toán, mở tài khoản... tạo thuận lợi cho người dân; Bộ Tư pháp chủ trì rà soát các văn bản luật phục vụ triển khai định danh và xác thực điện tử, tích hợp thông tin các giấy tờ cá nhân của công dân trên thẻ CCCD và ứng dụng VNEID.

Với nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, hoạt động chuyển đổi số thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực ở cả 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn tồn tại, hạn chế cần được đẩy mạnh khắc phục trong thời gian tới như xếp hạng về Chính phủ điện tử theo đánh giá của LHQ còn thấp, đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN; kinh tế số vẫn còn hạn chế và kết nối giữa các nền tảng chưa đáp ứng yêu cầu; xã hội số còn nhiều vướng mắc; từ nhận thức đến hành động còn có khoảng cách; đầu tư chưa tương xứng; môi trường pháp lý cần hoàn thiện hơn nữa; hưởng thụ về chuyển đổi số của người dân, DN còn hạn chế, bất cập; một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự coi trọng chương trình chuyển đổi số, nhất là các đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu.

Tạp chí BHXH