Đồng bộ dữ liệu thẻ BHYT vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư
04/03/2022 07:15 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 2/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính- Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ, thúc đẩy triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Theo báo cáo của Tổ Công tác cho biết, thực hiện các nội dung trọng tâm của Đề án, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan họp rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách để thực hiện các nội dung của Đề án.
Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 08 năm 2022 quy định danh mục sản phẩm khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia (CSDLQG) về dân cư; đã hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự thảo Nghị quyết Chính phủ và Tờ trình của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lãnh đạo Chính phủ xem xét quyết định; đã dự thảo Nghị định định danh và xác thực điện tử.
Đặc biệt, việc triển khai cung cấp các dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đạt kết quả tích cực. Bộ Công an phối hợp VPCP đã hoàn thành việc tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số CMND (9 số) với CCCD trên Cổng DVC quốc gia và Cơ sở dữ liệu thuế phục vụ xác thực thông tin về người nộp thuế trong giải quyết TTHC lĩnh vực thuế.
VPCP đã ban hành hướng dẫn tích hợp, kết nối chia sẻ giữa CSDLQG về dân cư với Cổng DVC quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp Bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong CSDL quốc gia về dân cư...
Đáng chú ý, về kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, đã tổ chức kết nối thành công dữ liệu bảo hiểm (BHXH Việt Nam), dữ liệu mã số thuế cá nhân (Bộ Tài chính), dữ liệu học sinh (Bộ GD-ĐT), dữ liệu trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), dữ liệu đăng ký sử dụng điện (Tập đoàn Điện lực); tiếp tục triển khai thống nhất kỹ thuật với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Giao thông vận tải.
Đặc biệt, đến nay, Bộ Công an đã phối hợp BHXH Việt Nam hoàn thành giải pháp và triển khai thành công việc đồng bộ dữ liệu thẻ BHYT vào CSDLQG về dân cư và căn cước công dân để phục vụ người dân chỉ sử dụng một loại giấy tờ căn cước công dân khi đi KCB (tích hợp sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho thẻ BHYT)...
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự tích cực vào cuộc của Thường trực Tổ công tác và các cơ quan. Nhờ đó, việc triển khai Đề án cơ bản bám sát tiến độ, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định và quan trọng nhất là khẳng định sự đúng hướng, trúng vấn đề.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc triển khai Đề án góp phần thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng hạ tầng đồng bộ mà hết sức quan trọng là hạ tầng giao thông, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hạ tầng số và hạ tầng xã hội. Đồng thời, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp trên tinh thần lấy người dân và DN là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển.
Đề án được triển khai trên CSDL quốc gia về dân cư, kết nối với các nền tảng khác để khai thác tối đa hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, công dân số, kinh tế số; giúp công tác quản lý thống nhất, tập trung, minh bạch, thuận lợi, tiết kiệm (chi phí, thời gian, công sức…) và hiệu quả nhiều mặt.
Thủ tướng cũng cơ bản nhất trí với đề xuất kiến nghị của Tổ công tác. Theo đó, tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các địa phương khẩn trương triển khai Đề án, trong đó phải triển khai đầy đủ các nội dung, phân công trách nhiệm cụ thể để tổ chức thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chi kinh phí các dự án công nghệ thông tin, nhất là khắc phục những lỗ hổng về an ninh, an toàn để kịp thời phục vụ Đề án. Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu. Đồng thời, khẩn trương thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình Đề án 06. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện Đề án tại các địa phương, tập trung nguồn lực, ưu tiên triển khai thực hiện tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương, giao UBND TP.Hà Nội triển khai làm điểm.
Bên cạnh đó, nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, trước hết phải tiếp tục tiếp tục nâng cao nhận thức về Đề án. Đề án trực tiếp liên quan đến các đột phá chiến lược, lợi ích của người dân, doanh nghiệp và của quốc gia, không phải là đề án, nhiệm vụ của riêng cơ quan, đơn vị, địa phương nào, phải xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, sản phẩm dùng chung; hết sức linh hoạt trong tổ chức thực hiện…
Thủ tướng yêu cầu tổ chức kiểm tra việc thực hiện có hiệu quả 25 dịch vụ công thiết yếu, trong đó xác định rõ trách nhiệm Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong tổ chức, triển khai, chỉ đạo, đặc biệt là nhận thức của cán bộ trực tiếp giải quyết dịch vụ công từ cấp cơ sở.
“Bên cạnh đó cần tập trung bảo đảm an ninh mạng, an toàn hệ thống ở mức cao nhất trong triển khai Đề án; tăng cường nguồn lực, sắp xếp, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực đủ năng lực, trình độ thực hiện nhiệm vụ…”- Thủ tướng yêu cầu.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc