Tham gia BHXH thêm “giá trị gia tăng”

24/03/2022 09:35 PM


Ngoài những quyền lợi đã biết từ trước đến nay (hưu trí, ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, tuất), thời gian gần đây, việc tham gia BHXH còn có thêm “giá trị gia tăng” khác nữa.

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ NLĐ thuê trọ làm việc trong các KCX-KCN. Một điều kiện kèm theo để NLĐ được thụ hưởng chương trình này là đang tham gia BHXH.

NLĐ tham gia BHXH nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết 116 hồi cuối năm 2021

Cụ thể, NLĐ đang làm việc trong DN, điều kiện hỗ trợ là thuê trọ từ ngày 1/3 đến 30/6/2022, có HĐLĐ thực hiện trước 1/3, đang đóng BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước khi DN lập danh sách hỗ trợ... thì nhận được mức hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng (NLĐ nhận hàng tháng và nhận tối đa 3 tháng).

Với NLĐ quay trở lại thị trường lao động phải đang làm việc trong DN, HTX, hộ kinh doanh đóng tại KCX-KCN, khu kinh tế trọng điểm, ở trọ từ 1/3 đến 30/6, để được thụ hưởng cũng phải có HĐLĐ và đang đóng BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước khi đơn vị lập danh sách đề nghị hỗ trợ.

Nếu NLĐ mới tuyển dụng, chưa có tên trong danh sách đóng BHXH thì phải có tên trong danh sách trả lương trước tháng liền kề khi đơn vị đề nghị hỗ trợ. Mỗi NLĐ diện này được hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi tháng, nhận hàng tháng và nhận tối đa 3 tháng.

NLĐ thụ hưởng chương trình này thuộc 24 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, TP.HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, dự kiến quy trình nhận hỗ trợ như sau: NLĐ làm đơn đề nghị hỗ trợ theo mẫu nộp cho DN. DN lập danh sách, công khai tại nơi làm việc, rồi gửi tới cơ quan BHXH để xác nhận NLĐ đang đóng BHXH. Hồ sơ sau đó tiếp tục gửi về UBND cấp huyện thẩm định, cấp tỉnh phê duyệt. Quy trình kéo dài ít nhất 11 ngày rồi tiền sẽ đến tay NLĐ.

Bộ LĐ-TB&XH cũng nhấn mạnh, gói hỗ trợ được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ, với kinh phí được trích từ ngân sách Trung ương.

Trước đó, nhằm giúp NLĐ thêm cơ hội vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ngày 24/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116 về hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết này được trích từ quỹ BH thất nghiệp.

Ngành BHXH Việt Nam được Chính phủ giao triển khai thực hiện chương trình và bắt đầu ngay từ 1/10/2021. Trong vòng 5 ngày (tính đến 5/10/2021), toàn Ngành đã hoàn thành gửi thông báo giảm mức đóng vào quỹ BH thất nghiệp tới 363,6 nghìn đơn vị SDLĐ với số tiền giảm trên 7.595 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/12/2021, toàn Ngành đã chi hỗ trợ cho 12.941.196 NLĐ với số tiền khoảng 30,73 nghìn tỷ đồng.

Nhìn lại cả 2 chương trình hỗ trợ trên, một đã diễn ra và một sắp diễn ra, đều hướng tới NLĐ tham gia BHXH. Nói cách khác, ngoài những quyền lợi hiện hữu, người tham gia BHXH còn nhận thêm “giá trị gia tăng” qua các gói hỗ trợ của Chính phủ. Chính sách BHXH, BHYT là hai trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Vì vậy, người tham gia BHXH không chỉ giúp bản thân mình, mà còn giúp quốc gia sớm thiết lập được nền an sinh vững bền.

Tạp chí BHXH