Tham vấn kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách và sửa đổi Luật BHYT

22/04/2022 09:25 PM


Sáng 22/4, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tham vấn kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách và sửa đổi Luật BHYT”. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn và Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam Kidong Park đồng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Luật BHYT tại các nước, từ đó đưa ra khuyến nghị, giúp BHXH Việt Nam góp ý sửa đổi, bổ sung Luật BHYT và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật BHYT tại Việt Nam. Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Kim Phương- Chuyên gia lĩnh vực tài chính y tế và BHYT (Văn phòng WHO tại Việt Nam); bà Sarah Bales- Cố vấn về hệ thống y tế-tư vấn (WB; bà Marielle Phe Goursat- Giám đốc Dự án ILO-LUX về Hỗ trợ mở rộng bảo trợ y tế xã hội tại Đông Nam Á; đại diện Vụ BHYT và Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), BVĐK Xanh Pôn, BV Hữu Nghị, BVĐK Vân Đình; đại diện các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn phát biểu tại Hội thảo

Hướng đến phát triển BHYT bền vững

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết: Đến nay, độ bao phủ BHYT tại Việt Nam đã đạt 91% dân số. Song hành với đó, công tác KCB BHYT được triển khai đồng bộ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dễ dàng với các DVYT ở tất cả các tuyến. Đặc biệt, quỹ BHYT hoạt động ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Hệ thống CSDL quốc gia về an sinh xã hội, hệ thống giám định kết nối với hơn 1.800 cơ sở y tế cả công lập và tư nhân, hệ thống chính sách BHYT toàn diện, bao trùm đang là những điểm sáng trong chính sách chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân.

Theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT một cách bền vững; mức đóng BHYT còn thấp, trong khi quyền lợi hưởng luôn được mở rộng, điều chỉnh theo hướng nâng cao…

“Cùng với sự phát triển kinh tế, các điều kiện xã hội, môi trường cũng những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ trong những năm gần đây đã đặt ra những yêu cầu mới trong việc thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam. Bên cạnh đó, một số nội dung phát sinh từ thực tiễn cho thấy có những vấn đề bất cập cần được sửa đổi. Việc hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi Luật BHYT là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách BHYT...”- Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh.

Ông Kidong Park- Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Ông Kidong Park- Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cũng nhận định: BHYT toàn dân là mục tiêu chung của bất kỳ hệ thống y tế nào trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, việc sửa đổi, hoàn thiện những cơ chế tài chính y tế đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong đó, BHYT toàn dân được xem là biện pháp hữu hiệu góp phần bảo đảm khả năng tiếp cận các DVYT thiết yếu và bảo vệ tài chính cho người dân.

Đối với mục tiêu BHYT bền vững, ông Kidong Park cho rằng, Việt Nam đã bao phủ khoảng trên 90% dân số tham gia BHYT- đây là thành tích đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu BHYT toàn dân, Việt Nam cần phải bao phủ nốt 10% dân số còn lại, đồng thời duy trì mức bao phủ hiện tại một cách bền vững. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần thực hiện chức năng bảo vệ tài chính BHYT một cách mạnh mẽ hơn.

Theo ông Kidong Park, hiện nay, tỷ lệ thanh toán từ tiền túi của người dân trong KCB vẫn còn cao và được dự báo có thể tăng trong thời gian tới. Đối mặt với những thách thức ấy, Việt Nam cần suy nghĩ về cách thức đổi mới, tiếp cận các khu vực phi chính thức- tức là làm cho phạm vi bao phủ BHYT không phụ thuộc vào công việc chính thức, để mọi người dân Việt Nam, bất kể họ làm gì, ở đâu… vẫn sẽ được tham gia BHYT.

“BHXH Việt Nam cần trở thành "bên mua" chiến lược của dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân trong hệ thống BHYT, qua đó bảo vệ tài chính cho người dân và giúp quỹ BHYT hạn chế tình trạng bội chi và lãng phí. Để làm được như vậy, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần hợp tác với nhau và được trao quyền, hiện đại hóa và trở thành một cơ quan kỹ thuật có thể đưa ra các quyết định sáng suốt, góp phần đảm bảo hệ thống tài chính bền vững và vì sức khỏe của người dân”- ông Kidong Park chia sẻ.

Nhiều thách thức trong quản lý quỹ BHYT

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã có những đánh giá về tình hình triển khai thực hiện Luật BHYT 2014 và vai trò của cơ quan quản lý quỹ trong việc tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách BHYT; những nội dung dự kiến sửa đổi trong Luật BHYT sắp tới. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về vai trò, mô hình hoạt động, quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý quỹ BHYT; mô hình hoạt động của cơ quan giám định BHYT, kinh nghiệm tổ chức hoạt động giám định BHYT và khuyến nghị cho Việt Nam.

Ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT chia sẻ tại Hội thảo

Chia sẻ về mục tiêu phát triển BHYT tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: Việt Nam đặt mục tiêu bao phủ 95% dân số tham gia BHYT vào năm 2025. Song song với đó, đảm bảo tốt hơn nữa quyền lợi của người tham gia BHYT, sử dụng hiệu quả và cân đối quỹ BHYT.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển đối tượng tham gia BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia, quản lý quỹ và tổ chức thực hiện chính sách BHYT. Đặc biệt, BHXH Việt Nam mặc dù có chức năng quản lý quỹ, nhưng lại không phải đơn vị được quyết định các vấn đề như: Lựa chọn phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT; lựa chọn đơn vị ký hợp đồng KCB BHYT, từ chối, chấm dứt hợp đồng đối với các cơ sở KCB không đảm bảo điều kiện trong quá trình thực hiện hợp đồng. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, đảm bảo cân đối quỹ.

Ông Lê Văn Phúc cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm mở rộng đối tượng tham gia và phạm vi quyền lợi hưởng BHYT một cách bền vững. Đặc biệt, để giải quyết những thách thức trong quản lý quỹ BHYT, ông Lê Văn Phúc đề nghị bổ sung giải pháp về kết hợp phương thức thanh toán theo khoán tổng ngân sách với các phương thức thanh toán khác; xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp.

Đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu BHXH Việt Nam

Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò của cơ quan BHXH trong mua DVYT như nhiều nước trên thế giới đã làm, được quyết định danh mục DVYT mua tại các cơ sở, tùy thuộc vào phạm vi hợp đồng KCB BHYT. Đồng thời, bổ sung quy định giao cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng, hưởng BHYT và thanh toán chi phí KCB theo chế độ BHYT. Điều chỉnh giá DVYT, giá thanh toán gắn với chất lượng và năng lực cung ứng của cơ sở KCB. Điều chỉnh mức đóng phù hợp, công bằng. Có chế tài chặt chẽ để người dân tuân thủ và chủ động tham gia BHYT. Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cơ bản của dịch vụ KCB BHYT; đồng thời củng cố các biện pháp kiểm soát chi KCB BHYT.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về quyền lợi hưởng BHYT, xác định gói DVYT cơ bản theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, mức đóng, trách nhiệm và căn cứ đóng của một số nước có hệ thống chính sách BHYT phát triển; kinh nghiệm về phương thức thanh toán KCB BHYT, kiểm soát chi phí, đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

Ông Lluis Vinyals- Đại diện Văn phòng WHO khu vực Tây Thái Bình Dương nhấn mạnh 5 nguyên tắc trong quản trị BHYT được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, bao gồm: Tính minh bạch; tính thống nhất; trách nhiệm giải trình và khả năng đáp ứng; hòa nhập, khuyến khích tham gia và dựa trên sự đồng thuận; năng suất và hiệu quả.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế và BHXH các địa phương

Nhiều quốc gia thành lập cơ quan quản lý BHYT như một phần trong hành trình hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tổ chức quản trị BHYT còn chưa chủ động. Một số cơ quan tại các quốc gia chỉ đơn thuần là thanh toán hóa đơn, mà không cho phép mua chiến lược. Điều này dẫn đến quỹ BHYT không được sử dụng hiệu quả, khiến chi phí DVYT cao. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng bội chi khi dịch vụ bị lạm dụng”- ông Lluis Vinyals cho biết.

Từ kinh nghiệm thực hiện chính sách BHYT tại các quốc gia như Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc… đại diện Văn phòng WHO khu vực Tây Thái Bình Dương cho rằng, mỗi quốc gia có những mô hình quản trị khác nhau và pháp luật được coi là công cụ mạnh mẽ để xác định vai trò, trách nhiệm của các tổ chức. Trên thực tế, không có mô hình duy nhất hoàn hảo về cách thức phân bổ trách nhiệm giữa các tổ chức hoặc giữa các nhóm trong một tổ chức tại các quốc gia. Do đó, việc xem xét thường xuyên các luật và quy định hiện hành là điều cần thiết, để cung cấp sự rõ ràng và nhất quán trong việc phân định các chức năng.

"Các quốc gia sử dụng hiệu quả nhất chiến lược mua sắm, là trao cho người mua trách nhiệm đối với các chức năng mua chính. Vì cơ quan mua hàng đảm nhận các chức năng mua chính, do đó vai trò của Bộ Y tế thường chuyển sang quản lý, điều tiết, thiết lập tiêu chuẩn và giám sát hơn là trực tiếp thực hiện trách nhiệm mua sắm. Thiết lập các cơ chế phối hợp liên bộ có thể là một lựa chọn khả thi để thúc đẩy sự hợp tác liên ngành và đảm bảo tính nhất quán trong việc thực hiện cải cách”- ông Lluis Vinyals nhấn mạnh.

Bà Vũ Nữ Anh- Vụ BHYT (Bộ Y tế) chia sẻ tại Hội thảo

Chia sẻ thêm về Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) đang được Bộ Y tế chủ trì soạn thảo, bà Vũ Nữ Anh- Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, về nguyên tắc, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật BHYT theo 3 nguyên tắc cơ bản, bao gồm: Thể chế hóa toàn bộ quan điểm của Đảng và Nhà nước; đảm bảo tính ổn định và đồng bộ; đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên.

Cũng theo bà Vũ Nữ Anh, bên cạnh đó, nhiều chính sách lớn cũng được tập trung sửa đổi, bổ sung trong Luật BHYT (sửa đổi) lần này, đó là: Mở rộng đối tượng; mở rộng phạm vi quyền lợi hưởng cho người tham gia BHYT; đa dạng hóa loại hình cung ứng dịch vụ; bổ sung những vấn đề về cơ sở cung ứng hàng hóa; bổ sung phương thức thanh toán BHYT mới; nâng cao hiệu quả quản lý…

Tạp chí BHXH