BHXH Việt Nam: Tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra cho lãnh đạo và cán bộ chuyên trách
16/06/2022 09:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong hai ngày 16-17/6, tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh), BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra năm 2022 cho lãnh đạo và cán bộ chuyên trách công tác thanh tra, kiểm tra của BHXH 28 tỉnh, thành phố phía Bắc.
“Công cụ” giúp đảm bảo quyền lợi NLĐ
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lò Quân Hiệp- Vụ trưởng Vụ Thanh tra-Kiểm tra (BHXH Việt Nam) cho biết, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam nói chung và công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành nói riêng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của BHXH các tỉnh, thành phố, toàn Ngành đã khắc phục khó khăn, xử lý linh hoạt các giải pháp, nên công tác thanh tra, kiểm tra đã đạt được những kết quả nhất định.
Ông Lò Quân Hiệp- Vụ trưởng Vụ Thanh tra-Kiểm tra phát biểu khai mạc Hội nghị
Kết quả, trong 5 năm (2017-2021), toàn Ngành đã tổ chức 63.746 cuộc thanh tra, kiểm tra tại hơn 100 ngàn đơn vị (trong đó thanh tra chuyên ngành đóng tại 34.078 đơn vị, kiểm tra tại 47.085 đơn vị và thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 20.553 đơn vị). Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 154.446 NLĐ thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT bắt buộc nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng 646,2 tỷ đồng; phát hiện 196.198 NLĐ tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng 331,8 tỷ đồng.
Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị được thanh tra, kiểm tra khắc phục số tiền nợ BHXH, BHYT trước khi ban hành các quyết định thanh tra, kiểm tra và số đã khắc phục đạt tỷ lệ 64,6% so với tổng số nợ. Ngoài ra, toàn Ngành đã ban hành 2.632 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHYT với tổng số tiền xử phạt 112,6 tỷ đồng, trong đó đã thu được gần 35 tỷ đồng (tỷ lệ đạt 31%)...
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong 5 năm qua cũng thu được kết quả cao. Theo đó, đã yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH số tiền 51,6 tỷ đồng và yêu cầu thu hồi về quỹ BH thất nghiệp số tiền 22,1 tỷ đồng do hưởng không đúng quy định; yêu cầu thu hồi về quỹ BHYT số tiền 752,8 tỷ đồng chi phí KCB BHYT không đúng quy định; yêu cầu BHXH một số địa phương tiếp tục rà soát, xử lý các sai phạm mà các đoàn thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra với số tiền vi phạm 1.027,8 tỷ đồng.
Kết quả trên cho thấy, việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT của ngành BHXH Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật BHXH, BHYT của các tổ chức, cá nhân, đơn vị SDLĐ. “Sau 6 năm triển khai thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, cùng với việc tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra; đến nay công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành đã đi vào nề nếp, mang lại nhiều hiệu quả tích cực”- ông Lò Quân Hiệp chia sẻ.
Hoàn thiện kỹ năng thanh tra, kiểm tra
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Lò Quân Hiệp- Vụ trưởng Vụ Thanh tra-Kiểm tra cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Các đoàn thanh tra, kiểm tra mới chỉ tập trung thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng nhằm đôn đốc thu hồi nợ, chứ chưa thực hiện các nội dung về đối tượng đóng, mức đóng và chưa chú trọng kiểm tra cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết thanh toán, chi trả các chế độ; hoặc lựa chọn thanh tra, kiểm tra những đơn vị hành chính sự nghiệp, DN nhỏ dưới 10 lao động, nên chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Đại diện Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị
Ngoài ra, BHXH một số địa phương còn lúng túng trong việc đổi mới phương pháp thanh tra, kiểm tra, nhất là việc ứng dụng CNTT trong hoạt động thanh tra, kiểm tra để thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Việc theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra và quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn thiếu kiên quyết, tỷ lệ số tiền đã nộp so với số phải truy thu, thu hồi còn thấp…
“Chính vì vậy, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và kịp thời đề xuất, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành hiện nay. Đồng thời, tạo cơ hội trực tiếp trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng xử lý các tình huống nghiệp vụ phát sinh, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới”- ông Lò Quân Hiệp nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, đại diện Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH và Vụ Thanh tra-Kiểm tra (BHXH Việt Nam) đã giới thiệu về một số nội dung liên quan công tác thanh tra, kiểm tra như: Quy trình, cách thức xử lý vi phạm hành chính liên quan việc đóng BHXH, BHYT; việc tổ chức hoạt động đoàn thanh tra, kiểm tra; thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT; kiểm tra công tác thực hiện chính sách BHYT; kiểm tra công tác cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, thực hiện chính sách BHXH, chi trả chế độ BH thất nghiệp; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra…
Các đại biểu thảo luận về kỹ năng thanh tra, kiểm tra
Theo các diễn giả, hiện nay chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT của ngành BHXH Việt Nam đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, nhất là giúp bảo đảm thu đúng, thu đủ và giảm nợ đọng BHXH, BHYT. Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế thị trường hiện nay, các loại hình tội phạm, cũng như chiêu trò trục lợi, trốn đóng BHXH của các DN cũng sẽ gia tăng và tinh vi hơn. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ hoàn thiện “công cụ” thanh tra, kiểm tra, thì việc nâng cao kỹ năng thanh tra, kiểm tra cho mỗi cán bộ trong Ngành cũng là yếu tố then chốt giúp đem lại hiệu quả cao hơn.
Một trong những nội dung thu hút sự chú ý tại Hội nghị lần này là phần chia sẻ kỹ năng phát hiện sai sót, vi phạm về mức đóng. Bởi, đây là một trong những vi phạm nổi bật, xuất hiện tại hầu hết các địa phương bằng hình thức "chia nhỏ" thu nhập thành nhiều tên gọi khác nhau để trốn đóng BHXH, BHYT. Theo đại diện Vụ Thanh tra-Kiểm tra, để xác định được các khoản phải đóng và không phải đóng BHXH theo quy định, mỗi cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra cần phải trang bị đầy đủ kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng xâu chuỗi các tài liệu, đầu mối thông tin để xác định mức độ vi phạm được chính xác nhất.
Bên cạnh đó, cần phát huy được kỹ năng làm việc với đối tượng được thanh tra, để thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ làm rõ những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra. Đây có thể coi là giai đoạn đòi hỏi mỗi cán bộ thanh tra phải vận dụng tối đa khả năng chuyên môn, trình độ năng lực, kỹ năng nghề nghiệp một cách hiệu quả nhất, để có thể khiến đối tượng được thanh tra “tâm phục, khẩu phục", thừa nhận sai phạm mà đoàn thanh tra chỉ ra.
Ngoài ra, về phía đối tượng được thanh tra, họ là người chịu nhiều áp lực nhất trong quá trình thanh tra, uy tín, danh tiếng của họ có thể bị ảnh hưởng; thậm chí hoạt động của đơn vị bị thanh tra có thể bị xáo trộn. Do đó, việc ứng xử, giao tiếp của cán bộ thanh tra trong quá trình làm việc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của đối tượng thanh tra, quyết định đến thái độ hợp tác hay không hợp tác của đối tượng, nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thanh tra.
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc