BHXH Việt Nam đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ về Đề án 06

05/09/2022 08:30 AM


Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng về kết nối, chia sẻ dữ liệu; tích hợp, cung cấp DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp… đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Xác thực gần 49 triệu nhân khẩu

Cụ thể, triển khai nhiệm vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với CSDL quốc gia về bảo hiểm; triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám bệnh, chữa bệnh BHYT, tính đến 16/8, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực 48.912.798 thông tin nhân khẩu (bao gồm cả nhân khẩu có số CMND và CCCD) có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ trên 37.947.723 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư.

 

Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 1977/BHXH-CNTT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân đề nghị đẩy mạnh việc triển khai thí điểm sử dụng CCCD gắn chíp trong KCB BHYT. Tính đến nay, toàn quốc đã có 10.570 cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD phục vụ KCB BHYT (chiếm khoảng 82,8% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc, tăng 3.714 cơ sở KCB, tương đương tăng 30,2% so với thời điểm trước khi có Công văn số 1977/BHXH-CNTT của BHXH Việt Nam với 1.127.312 lượt tra cứu.

Tuy nhiên, BHXH cho biết, trong quá trình triển khai thí điểm KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp, các cơ sở KCB BHYT có nêu một số khó khăn vướng mắc. Đơn cử như, các đầu quét mã vạch (Qrcode) tại các cơ sở KCB không đọc được Qrcode trên CCCD gắn chíp (do đầu đọc cũ, kích thước Qrcode trên CCCD có diện tích nhỏ, CCCD của người dân bị mờ, xước), hoặc đọc được nhưng bị lỗi phông chữ đối với các chữ tiếng Việt có dấu; nhiều cơ sở KCB tuyến xã chưa được trang bị đầu quét Qrcode. Do đó, khi người bệnh làm thủ tục KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp thì các cơ sở KCB sẽ phải nhập thủ công, làm chậm quá trình tiếp đón bệnh nhân.

Bên cạnh đó, do không phải xuất trình thẻ BHYT giấy (cơ sở KCB không giữ thẻ BHYT giấy trong quá trình KCB), nên đã có tình trạng bệnh nhân khám ngoại trú nhiều nơi trong ngày (khi chưa kết thúc khám tại các cơ sở KCB trước) dẫn đến việc chỉ định trùng xét nghiệm và trùng thuốc giữa các cơ sở KCB.

Để khắc phục tình trạng trên, ngày 27/7, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 2038/BHXH-CNTT gửi Bộ Y tế, Tổ công tác Chính phủ triển khai Đề án 06 đề nghị hướng dẫn các cơ sở y tế khắc phục tình trạng đầu quét Qrcode khi đọc thông tin Qrcode trên CCCD gắn chíp bị lỗi phông đối với các chữ tiếng Việt có dấu để triển khai có hiệu quả việc sử dụng CCCD gắn chíp trong KCB BHYT trong thời gian tới.

Nhằm thực hiện nhiệm vụ, tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình- nhiệm vụ giao BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ

và Bộ Công an thực hiện, BHXH Việt Nam đã tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ tại Quyết định số 1187/QĐ-BHXH ngày 24/05/2022 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy trình giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo Hộ gia đình trên CDV công; ban hành DVC trực tuyến “Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình tích hợp giảm trừ mức đóng trên Cổng DVC” tại Quyết định số 1231/QĐ-BHXH ngày 02/6/2022. BHXH Việt Nam đã xây dựng xong phần mềm và dịch vụ công, kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư để sử dụng dịch vụ “Xác thực thông tin hộ gia đình”, kết nối thành công với Nền tảng thanh toán quốc gia (Payment Platform- PP), đã cung cấp DVC Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng trên Cổng DVC BHXH Việt Nam và tích hợp trên Cổng DVC quốc gia.

Kết quả, tính đến 16/8/2022, đã có 78 lượt gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng được hệ thống của BHXH Việt Nam tiếp nhận và giải quyết. Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục kết nối đầy đủ với các ngân hàng tham gia Nền tảng thanh toán quốc gia, đồng thời truyền thông rộng rãi để người tham gia biết và sử dụng dịch vụ công này.

Đối với nhiệm vụ liên thông đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú- trợ cấp mai táng phí, hiện BHXH Việt Nam đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để tham gia hoàn thiện quy trình, hoàn thiện tài liệu kỹ thuật xây dựng phần mềm liên thông.

Đáng chú ý, thực hiện nhiệm vụ Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, BHXH Việt Nam đã ban hành các Quyết định về Quy trình tiếp nhận Quyết định hưởng và chi trả trợ cấp thất nghiệp theo DVC “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trên Cổng DVC Quốc gia; DVC trực tuyến chi trả trợ cấp thất nghiệp để sẵn sàng triển khai tiếp nhận bản điện tử Quyết định hưởng và chi trả trợ cấp thất nghiệp trên môi trường điện tử khi Ngành LĐ-TB&XH thực hiện chuyển bản điện tử Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp sang Hệ thống của BHXH Việt Nam. Tính đến 16/8/2022, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng DVC quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BH thất nghiệp cho 15.077 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ.

Tiếp tục đơn giản hoá TTHC

Bên cạnh đó, triển khai Quyết định số 422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục DVC trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC quốc gia năm 2022, ngày 8/8, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 2142/KHBHXH triển khai thực hiện Quyết định số 422/QĐ-TTg nhằm cụ thể hóa và tổ chức triển khai có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Trong đó, tập trung tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa thành phần hồ sơ trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu từ CSDL quốc gia về dân cư phục vụ tích hợp, cung cấp DVC trực tuyến, thanh toán trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam trên Cổng DVC BHXH Việt Nam, Cổng DVC quốc gia theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong CSDL quốc gia về dân cư.

Trước mắt, triển khai tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp đầy đủ, đúng thời hạn (trước 30/9/2022) các DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia đối với các DVC trực tuyến được giao cho BHXH Việt Nam tại Quyết định số 422/QĐ-TTg.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, qua đó triển khai hiệu quả hơn nữa Đề án 06 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam cũng đã nêu ra một số đề xuất. Theo đó, BHXH Việt Nam đề nghị Tổ công tác của Chính phủ triển khai Đề án 06 hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp không xác thực được thông tin công dân với CSDL quốc gia về dân cư thông qua dịch vụ “xác thực thông tin công dân”; chỉ đạo Tổ công tác các địa phương triển khai thông báo số định danh cá nhân cho những người chưa được cấp CCCD; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của công dân đối với các trường hợp không xác thực được thông tin công dân với CSDL quốc gia về dân cư nhằm để đảm bảo quyền lợi cho công dân khi thực hiện các TTHC nói chung, cũng như để thực hiện các giao dịch với cơ quan BHXH.

Cùng với đó, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế, Bộ Công an sớm có hướng dẫn các cơ sở y tế khắc phục tình trạng đầu quét Qrcode khi đọc thông tin Qrcode trên CCCD gắn chíp bị lỗi phông đối với các chữ tiếng Việt có dấu để triển khai có hiệu quả việc sử dụng CCCD gắn chíp trong KCB BHYT trong thời gian tới.

Đồng thời, đề nghị Bộ Công an hỗ trợ BHXH Việt Nam triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu của CSDL Quốc gia về dân cư để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Tạp chí BHXH