BHXH Việt Nam: Đồng bộ các giải pháp đảm bảo quyền lợi NLĐ trong năm 2023
26/01/2023 01:43 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm 2022, toàn ngành BHXH Việt Nam đã giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT xuống còn 12.988 tỷ đồng, chiếm 2,91% so với số phải thu. Đây là tỷ lệ chậm đóng/số phải thu thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây (năm 2016, tỷ lệ tương ứng là 6%). Đây là tiền đề để BHXH Việt Nam đặt mục tiêu tỷ lệ tương tự cho năm 2023...
Quyết liệt xử lý các sai phạm
Phân tích những giải pháp để đạt con số “lý tưởng” trong năm 2022, báo cáo của BHXH Việt Nam chỉ rõ: Nhiều giải pháp đồng bộ đã được toàn Ngành triển khai quyết liệt, tập trung vào mục tiêu gia tăng hiệu quả thực thi pháp luật BHXH, BHYT của các đơn vị SDLĐ; đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong quá trình thực hiện.
Công tác thanh tra của ngành BHXH Việt Nam phát huy hiệu quả
Nhấn mạnh yêu cầu về tính chủ động từ phía cơ quan BHXH, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn BHXH các tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển người tham gia, giảm chậm đóng BHXH, BHYT. Trong đó, tập trung vào các giải pháp mang tính căn cơ, như: Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp xã; đề xuất ngân sách địa phương, các DN, nhà hảo tâm hỗ trợ thêm mức đóng cho người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Cơ quan BHXH cũng chủ động rà soát, đánh giá tình hình biến động tăng-giảm lao động và dự kiến nhu cầu sử dụng lao động năm 2022 trên địa bàn để xây dựng các giải pháp chỉ đạo, điều hành công tác thu, phát triển người tham gia năm 2022. Đẩy mạnh rà soát dữ liệu người chưa tham gia trên CSDL do cơ quan Thuế cung cấp, xây dựng kế hoạch theo tuần, tháng, quý để đôn đốc DN tham gia đầy đủ. Cập nhật, phân loại đối tượng tiềm năng chưa tham gia BHXH, BHYT theo từng địa bàn cấp xã; phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu tổ chức hội nghị khách hàng để vận động, phát triển người tham gia; phân công cán bộ bám sát, đôn đốc đơn vị, DN nộp đủ số tiền phát sinh trong tháng và số tiền chậm đóng tháng trước...
Đặc biệt, một giải pháp được ngành BHXH Việt Nam phát huy hiệu quả trong năm 2022 là triển khai, tổ chức linh hoạt hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng đối với DN chưa tham gia, tham gia không đầy đủ, DN chậm đóng từ 3 tháng trở lên; kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm; kịp thời lập hồ sơ khởi tố đối với DN cố tình vi phạm…
Thống kê cho thấy, trong năm 2022, ngành BHXH Việt Nam chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 36.065 đơn vị (bằng 215% so với cùng kỳ năm 2021), và đạt được nhiều kết quả tích cực. Số tiền các đơn vị chậm đóng trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là 3.298 tỷ đồng, số đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng là 3.068 tỷ đồng (bằng 93%), tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2021. Qua công tác thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH Việt Nam đã phát hiện hơn 74.000 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu gần 200 tỷ đồng (bằng 156,8% so với năm 2021). Yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH, BHYT gần 90 tỷ đồng (bằng 160% so với năm 2021).
Đánh giá đây là giải pháp quan trọng hàng đầu giúp giảm số tiền chậm đóng, báo cáo của BHXH Việt Nam cũng ghi nhận nỗ lực của BHXH các địa phương trong việc chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan thanh tra, kiểm tra. Điển hình như: Phối hợp, tham gia các đoàn thanh tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT và việc thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ, chủ SDLĐ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP tại một số địa phương, đơn vị, DN...
Trên cơ sở kế hoạch thanh tra chuyên ngành và thanh kiểm tra liên ngành năm 2022, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh xây dựng, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022; chủ động, linh hoạt các giải pháp để thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Trong đó, chú trọng thanh tra chuyên ngành đóng đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT; kiểm tra chuyên đề, đột xuất các cơ sở KCB có tỷ lệ chi KCB BHYT cao so với dự toán, gia tăng chi phí bất hợp lý; chủ động rà soát, phân tích dữ liệu trên các phần mềm nghiệp vụ, dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT; trường hợp cố tình vi phạm thì lập hồ sơ khởi tố theo quy định...
Đặc biệt, BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Với lợi thế có hệ thống dữ liệu lớn; thường xuyên được hoàn thiện, bổ sung các bộ tiêu chí nhận diện rủi ro; từ đó giúp Ngành xác định trọng tâm, trọng điểm thông qua việc sàng lọc, nhận diện dấu hiệu cảnh báo, chọn mẫu từ dữ liệu có sẵn để tiến hành thanh tra, kiểm tra với phạm vi rộng; thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử. Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra đã rút ngắn thời gian, kinh phí, nhân lực, giảm thời gian làm việc trực tiếp tại DN, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN...
Tiếp tục “mục tiêu lạc quan” trong năm 2023
Theo đánh giá của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, năm 2023 dự kiến có nhiều thách thức hơn trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT như: Kinh tế toàn cầu tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng. Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng; các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống có thể bị thu hẹp; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài và mới phát sinh cần phải tập trung giải quyết. Trong khi đó, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn... Tất cả các yếu tố bất lợi tác động đến nền kinh tế đất nước cũng trực tiếp ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam.
Đặc biệt, các yếu tố thuận lợi cho việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT luôn có “độ trễ” so với tốc độ phục hồi của nền kinh tế... Hiện nay, một số khó khăn cụ thể mà cơ quan BHXH vẫn đang gặp phải là tình trạng nhiều DN sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH, BHYT hoặc chậm đóng số tiền lớn, thời gian kéo dài. Trong khi đó, công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra tại một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả...
Năm 2023, ngành BHXH Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tỷ lệ số tiền chậm nộp/số phải thu là 2,93%, bởi tỷ lệ này càng thấp đồng nghĩa với việc quyền lợi NLĐ được bảo vệ ở mức cao nhất theo quy định. Kinh nghiệm thành công của năm 2022 sẽ tiếp tục được nhân rộng, đồng thời linh hoạt bám sát thực tiễn để phát triển người tham gia; giảm và thu hồi tiền chậm đóng BHXH, BHYT. Cơ quan BHXH sẽ thường xuyên rà soát, hoàn thiện CSDL người người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT. Đặc biệt, toàn Ngành sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; chú trọng thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử; kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT.
Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, đảm bảo đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho DN, người dân; tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Ngành... Lợi thế của ngành BHXH Việt Nam trong chuyển đổi số cũng được tiếp tục đẩy mạnh- hoạt động này vừa nâng cao chất lượng phục vụ người dân, NLĐ, DN...; đồng thời cũng cung cấp thêm những giải pháp hiệu quả cho Ngành trong việc phòng chống các vi phạm pháp luật BHXH, BHYT.
Cụ thể: Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống CSDL chuyên ngành BHXH, BHYT, đặc biệt là CSDL quốc gia về bảo hiểm (BHXH Việt Nam được giao là đơn vị chủ trì xây dựng); tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các bộ, ngành liên quan; hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới trên ứng dụng VssID; nghiên cứu, triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số cho ngành BHXH Việt Nam, nhất là việc xây dựng hệ thống phân tích xử lý dữ liệu lớn (Big Data), áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hoạt động của Ngành...
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc