Thực hiện hiệu quả BHYT học sinh, sinh viên: Tạo động lực phát triển BHYT toàn dân bền vững

03/09/2020 09:18 AM


Chiếm tỷ trọng 25% dân số và là thế hệ tương lai của đất nước, công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Bao phủ 100% học sinh, sinh viên có BHYT vừa là động lực phát triển BHYT toàn dân bền vững, vừa là giải pháp quan trọng nâng cao sức khỏe, thể chất người Việt Nam nói chung, thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng, vì một nền giáo dục toàn diện. Nhân dịp khai giảng năm học mới 2020 - 2021, Tạp chí BHXH trân trọng giới thiệu bài viết của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu

Tạo động lực tăng trưởng

Tính đến ngày 31/7/2020, tổng số người tham gia BHYT cả nước là 85,9 triệu người, đạt tỷ lệ 88,8% dân số tham gia BHYT; tăng 394 nghìn người so với tháng 6/2020, tăng 1,059 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Những con số có thể coi là khả quan trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Với nhóm học sinh, sinh viên, hiện tỷ lệ tham gia BHYT đạt khoảng 95%; còn khoảng 05% chưa tham gia. Bao phủ 100% với nhóm học sinh, sinh viên, huy động số học sinh, sinh viên còn lại tham gia đầy đủ, như vậy, chúng ta đạt được bước tăng trưởng khả quan, từng bước hoàn thành nhiệm vụ chính trị, bảo đảm An sinh đất nước bằng việc bao phủ BHYT toàn dân. Đây là nhiệm vụ càng trở nên quan trọng nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân cần đến nguồn lực ổn định từ Quỹ BHYT.

Trong các nhóm tham gia BHYT, học sinh, sinh viên luôn là nhóm đối tượng được đánh giá là có nhiều thuận lợi cơ bản hơn so với các nhóm khác và với tỷ lệ gần 25% dân số, việc bao phủ BHYT đến 100% học sinh, sinh viên luôn được quan tâm trong lộ trình thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân bền vững.

Bên cạnh việc học sinh, sinh viên là nhóm thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng 30%, với đặc thù được quản lý tập trung trong môi trường sư phạm, việc tiếp cận truyền thông chính sách, vận động tham gia ở nhóm này sẽ dễ dàng hơn khi có sự tham gia phối hợp của Ngành Giáo dục & Đào tạo. Đây cũng là nội dung đã được quy định trong Luật BHYT, trong đó, trách nhiệm của các trường học được nêu rõ. Thời gian tới, đồng thời với việc triển khai các mặt công tác khai giảng năm học mới, việc đẩy mạnh truyền thông chính sách BHYT học sinh, sinh viên sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn cả.

Đặc biệt, từ phía Ban Giám hiệu các trường học, phụ huynh học sinh, các em sinh viên cần nhận thức rõ rằng, trong bối cảnh hiện tại, khi dịch bệnh Covid-19 lây lan, khó có thể kiểm soát triệt để, việc tự chăm lo, bảo đảm chăm sóc sức khỏe bằng việc tham gia BHYT là vô cùng thiết yếu. Hiệu quả đem lại là rất lớn cho bản thân các em học sinh, nhà trường và toàn xã hội. Ốm đau, bệnh tật, tai nạn có thể xảy ra với bất kỳ ai và trong tình hình hiện nay, nguy cơ dịch bệnh với mọi người ở mọi nơi là rất lớn khi diễn biến dịch bệnh phức tạp và khó lường. Tham gia BHYT, các em học sinh có được sự bảo đảm tài chính chăm sóc sức khỏe, điều đặc biệt quan trọng khi nguồn lực y tế đang rất hạn chế khi dịch bệnh lây lan. Từ phía nhà trường, nguồn kinh phí trích lại từ Quỹ BHYT bảo đảm cho y tế học đường là nguồn lực hỗ trợ tối ưu cho công tác phòng chống, dịch bệnh tại các lớp học – vốn có đặc điểm dịch tễ khá phức tạp do tập trung đông, nguồn lây, nguy cơ lây dễ xuất hiện.

Với bản chất nhân văn, chia sẻ, lấy số đông bù số ít, ngay cả khi may mắn không phải dùng đến BHYT, bằng việc tham gia BHYT với một số tiền không lớn lắm, các em học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh đã chung tay, góp phần đáng kể vào việc xây dựng nguồn lực tài chính y tế, bảo đảm nguồn lực khám, chữa bệnh cho toàn dân – điều đặc biệt quan trọng với đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Chủ động, linh hoạt, sáng tạo

Dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Công tác triển khai BHYT học sinh, sinh viên trong năm học 2020-2021 vì vậy cũng sẽ gặp nhiều trở ngại. Cơ quan BHXH tại các địa phương hơn bao giờ hết phải phát huy tính chủ động, năng động và nhất là sự linh hoạt, sáng tạo. Xác định rõ vai trò quan trọng của BHYT học sinh, sinh viên là tạo động lực lớn cho công tác phát triển mở rộng diện bao phủ BHYT năm 2020 và đem lại nền tảng bền vững cho các năm tiếp theo.

Theo đó, cần thực hiện các biện pháp cơ bản sau:

- Một là, chủ động báo cáo cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về tình hình thực tế công tác phát triển đối tượng BHXH, BHYT năm 2020, nhấn mạnh rõ vai trò, nguồn lực phát triển BHYT học sinh, sinh viên, tham mưu văn bản chỉ đạo nội dung công tác này ngay ở thời điểm bắt đầu năm học mới 2020-2021; trong đó, quán triệt rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn, nhất là với các trường còn chưa đạt tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tham gia. Đề xuất huy động nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ học sinh, sinh viên trên địa bàn tham gia BHYT, kêu gọi kinh phí hỗ trợ từ các nguồn quyên góp khác nhau, hỗ trợ các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, gia đình đông con có hoàn cảnh khó khăn không thuộc diện nghèo.

- Hai là, căn cứ yêu cầu tình hình thực tế diễn biến, yêu cầu phòng, chống dịch bệnh ở từng địa phương, cơ quan BHXH triển khai linh hoạt các biện pháp phối hợp với nhà trường trong tổ chức thực hiện BHYT học sinh, sinh viên. Cần quán triệt nguyên tắc bảo đảm liên hệ chặt chẽ, phối hợp thường xuyên.Xây dựng các phương án triển khai trong mọi tình huống diễn biến của dịch bệnh, đặc biệt là khi các trường học có thể tổ chức dạy học theo hình thức online, không tập trung… tăng cường các hình thức, ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi trực tuyến, giao dịch điện tử, phát huy tối đa hiệu quả cải cách thủ tục hành chính trong triển khai BHYT học sinh, sinh viên.

- Ba là, quá trình lập danh sách tham gia, cấp, gia hạn thẻ BHYT, chuyển kinh phí BHYT học đường, cần được thực hiện kịp thời, bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho học sinh, sinh viên. Lưu ý thực hiện những nội dung mới theo Quyết định số 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành theo Quyết định 595-QĐ/BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Với các trường học đã đạt tỷ lệ 100% tham gia, cần phát huy triệt để kinh nghiệm và kết quả thực hiện các năm trước. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp sâu sát hơn nữa với các trường học chưa đạt tỷ lệ 100% tham gia, nhất là các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề.

- Bốn là, xác định thời điểm tổ chức đồng loạt các biện pháp truyền thông về BHYT học sinh, sinh viên, sử dụng các hình thức truyền thông hiệu quả, phù hợp với yêu cầu tình hình thực tế, chú trọng các hình thức truyền thông trực tuyến, tác động đến học sinh, sinh viên, phụ huynh, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm…; đặc biệt, cần đẩy mạnh hơn nữa việc truyền thông chính sách, pháp luật BHYT học sinh, sinh viên qua mạng xã hội - tận dụng tối đa ưu thế của "kênh" truyền thông này trong công tác phổ biến chính sách BHYT đến lớp trẻ - những người có thói quen sử dụng mạng xã hội nhiều nhất. Nội dung truyền thông nhấn mạnh đến bản chất nhân văn của chính sách BHYT, hiệu quả thiết thực của BHYT với chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên qua các trường hợp được chi trả lớn; đặc biệt chuyển tải thông điệp sứ mệnh của lớp người trẻ đối với việc thực thi pháp luật về BHYT; lan tỏa thông điệp về vai trò BHYT là cơ chế tài chính y tế quan trọng bảo đảm chăm sóc sức khỏe, tạo nguồn lực, góp phần chung tay phòng chống, dịch bệnh./.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội