Áp dụng CNTT để thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành BHXH
07/10/2020 04:15 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 6/10, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị Giao ban trực tuyến về công tác thanh tra, kiểm tra (TTKT). Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các vụ, ban, đơn vị liên quan và 63 điểm cầu tại địa phương.
Tỷ lệ TTKT của các địa phương còn thấp
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cho biết, do nhiều yếu tố khách quan, trong đó có dịch bệnh Covid-19, công tác TTKT của Ngành BHXH gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, còn một vài lý do chủ quan từ một số địa phương khiến tỷ lệ thực hiện kế hoạch TTKT còn thấp, đặc biệt, có địa phương tỷ lệ thực hiện dưới 5% và có địa phương gần như chưa thực hiện.
“Bên cạnh việc đánh giá những vướng mắc khó khăn trong thực hiện TTKT, chúng ta sẽ tập trung phân tích các sai phạm trong việc thực hiện kế hoạch TTKT để từ đó, đưa ra những giải pháp kịp thời và phù hợp”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhấn mạnh.
Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ TTKT Trần Đức Long cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, toàn Ngành đã thực hiện TTKT theo kế hoạch tại 3.155 đơn vị, đạt 59,09% kế hoạch, trong đó: TTCN đóng là 791 đơn vị, đạt 53,8% kế hoạch; kiểm tra là 2.117 đơn vị; TTKT liên ngành là 247 đơn vị đạt 41,76% kế hoạch. Ngoài việc thực hiện TTKT theo kế hoạch, trong 9 tháng đầu năm toàn Ngành đã tổ chức thực hiện 1.384 cuộc TTKT đột xuất tại 1.808 đơn vị.
Qua TTCN đóng, đã phát hiện 4.998 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với số tiền phải truy đóng là 44.759 triệu đồng; phát hiện 13.772 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 56.733 triệu đồng. Ngoài ra, qua công tác TTKT việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã phát hiện và yêu cầu thu hồi về Quỹ BHXH số tiền 2.889 triệu đồng do thanh toán các chế độ BHXH không đúng quy định; thu hồi về Quỹ BH thất nghiệp số tiền 1.749 triệu đồng do thanh toán, chi trả trợ cấp BH thất nghiệp không đúng quy định; thu hồi về Quỹ BHYT số tiền 39.189 triệu đồng chi phí KCB BHYT không đúng quy định…
Về việc thực hiện kế hoạch TTKT, có 10 tỉnh, thành phố tích cực thực hiện TTKT (đến nay, đã đạt tỷ lệ trên 90% kế hoạch được giao, gồm: TP.Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Thuận, Đồng Tháp, Hậu Giang, Hòa Bình, Nghệ An, Sóc Trăng, Yên Bái. Tuy nhiên, có 21 tỉnh, thành phố có tỷ lệ thực hiện dưới 50% kế hoạch được giao; 8 tỉnh, thành phố chưa thực hiện TTCN đóng theo kế hoạch; 8 tỉnh, thành phố chưa thực hiện kiểm tra nội bộ cơ quan BHXH theo kế hoạch; 24 tỉnh, thành phố chưa thực hiện kiểm tra cơ sở KCB BHYT theo kế hoạch…
Xử lý các đơn vị nợ vẫn gặp khó khăn
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị đã tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện TTKT. Theo đó, các ý kiến đều cho rằng, việc triển khai thực hiện kế hoạch TTKT năm 2020 toàn Ngành trong những tháng đầu năm còn chậm, không đúng tiến độ, nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp.
Bên cạnh đó, hoạt động TTCN đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của BHXH một số địa phương mới chỉ tập trung vào phương thức đóng nhằm đôn đốc thu nợ, chưa làm đầy đủ 3 nội dung (đối tượng tham gia, mức tham gia và phương thức đóng) dẫn đến hiệu quả chưa cao, nhiều cuộc thanh tra chỉ mang tính hình thức.
Giám đốc BHXH TP.Cần Thơ Đặng Văn Nở cung cấp thông tin, mặc dù ngay từ đầu năm, BHXH Thành phố đã ban hành kế hoạch thanh tra các đơn vị, song do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến việc TTKT bị trì hoãn. Trước khó khăn trên và đặc biệt là tình trạng nợ của các doanh nghiệp tại địa phương, BHXH Thành phố cung cấp hồ sơ vi phạm của 7 đơn vị sang Công an để tiến hành khởi kiện “nhưng đến nay, phía Công an đã quyết định không khởi tố 4 đơn vị và những đơn vị còn lại vẫn đang xem xét”- ông Nở thông tin.
Cũng gặp nhiều khó khăn đối với các đơn vị được TTKT, ông Phạm Hữu Hiện- Giám đốc BHXH tỉnh Hưng Yên cho biết, do địa phương có nhiều đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài nên việc TTKT tại các đơn vị này gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Hưng Yên lại nằm gần sân bay quốc tế Nội Bài vì vậy có nhiều khu cách ly tập trung do bệnh Covid-19. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỉnh gặp khó trong công tác TTKT.
Thông tin về vấn đề xử lý các đơn vị vi phạm, bà Nguyễn Thị Anh Thơ- Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, tính đến hết tháng 8/2020, đã có 34/63 BHXH tỉnh, thành phố thực hiện việc kiến nghị khởi tố hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của 67 đơn vị tới cơ quan Công an. Tuy nhiên, có rất ít vụ việc được quyết định khởi tố mà chỉ được xem xét, giải quyết.
Đại diện Vụ Pháp chế cho rằng, BHXH các tỉnh, thành phố vẫn còn lúng túng trong việc xác định hành vi nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự để kiến nghị khởi tố, đặc biệt, chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào là hành vi gian dối hoặc thủ đoạn khác do đó khó khăn cho việc áp dụng pháp luật “Thực tế có đến trên 21% số trường hợp cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố nhưng cơ quan Công an xác định hành vi vi phạm chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định nên không khởi tố”- bà Nguyễn Thị Anh Thơ nói.
Phát huy tinh thần đoàn kết
Kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhấn mạnh, đối với các địa phương chưa thực hiện tốt công tác TTKT nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ, cần phải đưa ra những giải pháp phù hợp với địa phương mình. Đồng thời phải đoàn kết để vượt qua khó khăn, thách thức trong những tháng còn lại của năm.
Phó Tổng Giám đốc cho rằng, các địa phương phải xác định rõ bản chất công tác TTKT. Theo đó, điều quan trọng là hiệu quả sau khi thực hiện TTKT. Cần xác định và phân loại rõ các đơn vị trước khi TTKT. Từ đó, sẽ đưa ra được các giải pháp hiệu quả, giúp thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT tại địa phương mình.
Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cũng đề cập tới việc TTKT cần áp dụng triệt để các ứng dụng, phần mềm từ CNTT để sàng lọc dữ liệu trước khi xuống các đơn vị TTKT: “Chúng ta cần áp dụng được các phần mềm CNTT để khoanh vùng, rà soát các đơn vị, từ đó phân vùng từng mức độ và đưa ra cảnh báo riêng cho từng khu vực. Nếu làm tốt điều này, công tác TTKT chắc chắn sẽ có hiệu quả cao”.
Đối với vướng mắc về xử lý các đơn vị nợ đọng, vi phạm pháp luật về BHXH, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn khẳng định sẽ sớm thống nhất và đề xuất với Tổng Giám đốc để ký kết với phía Tòa án, Bộ Công an nhằm giải quyết tình trạng trên. Tuy nhiên, điều quan trọng là cơ quan BHXH cần chủ động đưa ra được các chứng cứ rõ ràng, đúng người, đúng tội để có thể xử lý nghiêm.
Phó Tổng Giám đốc đề nghị Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố với nhiệm vụ là người đứng đầu cần phải đồng lòng, phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ- lấy đó là sức mạnh để thực hiện những nhiệm vụ được giao nói chung và công tác TTKT nói riêng. Đối với, các đơn vị truyền thông cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về chính sách; đồng thời tuyên truyền các hình thức xử lý hành vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT…
Tạp chí Bảo hiểm xã hội Việt Nam
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số