Cho mượn thẻ BHYT đi KCB: Một trường hợp bị xử phạt
01/02/2021 09:01 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM vừa xử phạt 4 triệu đồng đối với ông Trần Phúc, do hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT để đi KCB tại BV quận 2.
Theo Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, đơn vị này vừa ban hành quyết định xử phạt ông Trần Phúc (ngụ Khu phố 3, phường Phú Hữu, quận 9) 4 triệu đồng vì vi phạm quy định KCB BHYT theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Ông Trần Khúc bị xử phạt vì cho bạn mượn thẻ BHYT để đi KCB
Trước đó, ông Phúc đã cho một người bạn mượn thẻ BHYT để đến BV quận 2 KCB. Hành vi này của bạn ông Phúc dù đã thực hiện trót lọt, được BV khấu trừ chi phí KCB và thuốc BHYT, nhưng sau một thời gian đã bị phát hiện và Thanh tra Sở Y tế lập tức vào cuộc. Ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, Thanh tra Sở Y tế cũng buộc ông Phúc phải hoàn trả trên 20,8 triệu đồng vào tài khoản thu của quỹ BHYT tại BV quận 2.
Theo Thanh tra Sở Y tế, trước đó còn có trường hợp ông H. đưa con đi khám bệnh tại BV Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), nhưng đã lấy thẻ BHYT của mình khai cho con. Tuy nhiên, hành vi trên chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT, do các nhân viên của BV đã kịp thời phát hiện và chuyển giao cho Thanh tra Sở Y tế xử lý.
Tại Điều 84 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/11/2020) đã quy định, hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong KCB sẽ bị phạt tiền theo một trong các mức sau đây: Từ 1-2 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT; từ 3-5 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ BHYT. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hoàn trả số tiền đã vi phạm vào tài khoản thu của quỹ BHYT.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là biện pháp mang tính răn đe. Trong khi đó, với các quy định của Bộ luật Hình sự, nếu số tiền chiếm đoạt lớn hoặc có tính chất chuyên nghiệp cũng như dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trong việc mượn và cho mượn thẻ BHYT thì người vi phạm sẽ phải đối diện với việc bị xử lý hình sự. Cụ thể, Điều 215 Bộ luật Hình sự về tội “Gian lận BHYT” cùng với Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hướng dẫn hành vi “giả mạo thẻ BHYT của người khác để hưởng chế độ BHYT trái quy định” là vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ phạm tội, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Chính vì vậy, người có thẻ BHYT nên tìm hiểu kỹ và cẩn trọng trước khi giao thẻ BHYT của mình cho người khác.
Tạp chí Bảo hiểm xã hội
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số