Nâng cao hiệu quả chức năng thanh tra chuyên ngành

22/03/2021 08:19 AM


Trong những năm qua, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp vẫn diễn ra và có chiều hướng ngày càng gia tăng và tinh vi, nhất là tình trạng lạm dụng chế độ chính sách để trục lợi quỹ... Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện, những hiệu quả mà hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng như công tác thanh tra chuyên ngành (TTCN) của ngành BHXH Việt Nam đem lại, đã khẳng định thanh tra, kiểm tra có vai trò quan trọng, không thể thiếu trong thực tiễn thực hiện chính sách.

Các hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động. Ảnh: NGuyễn Ðăng

Hiệu quả từ hoạt động thanh tra chuyên ngành

Ngay sau khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành từ 1-1-2016, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 21/2016/NÐ-CP ngày 31-3-2016 quy định việc thực hiện chức năng TTCN về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của cơ quan BHXH. Sau 5 năm thực hiện chức năng TTCN có thể thấy đây là công cụ quan trọng góp phần không nhỏ vào hiệu quả của công tác phát triển đối tượng, bảo đảm thu đúng, thu đủ và giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH, bảo vệ kịp thời quyền lợi của người lao động, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến tháng 12-2020, số người tham gia BHXH bắt buộc là 15,033 triệu người, tăng 24,2% so năm 2015. Công tác thu hồi, giảm nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có hiệu quả và chuyển biến rõ rệt từ khi có chức năng TTCN. Thông qua đó, số nợ đã giảm dần qua các năm; các đơn vị sử dụng lao động tuân thủ, chấp hành luật tốt hơn; tỷ lệ nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên cả nước giảm dần. Nếu năm 2016 là 2,7%; năm 2017 là 2,2%, năm 2018 là 1,7%, thì đến năm 2019, con số này chỉ còn là 1,6% so với số phải thu theo kế hoạch được Chính phủ giao.

Tổng số lao động chưa tham gia, đóng thiếu thời gian, đóng thiếu mức đóng BHXH, BHYT được phát hiện thông qua TTCN giai đoạn 2016 - 2020 bằng 120% và số tiền yêu cầu truy thu bằng 451% số thực hiện qua kiểm tra so với giai đoạn từ năm 2011 - 2015. Thông qua TTCN, cơ quan BHXH đã yêu cầu các đơn vị khắc phục được hơn 8.955 tỷ đồng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Theo Vụ trưởng Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam) Trần Ðức Long, trước năm 2016, ngành BHXH Việt Nam không có chức năng TTCN, xử lý vi phạm hành chính cho nên hoạt động kiểm tra chỉ dừng lại ở việc phát hiện, nhắc nhở, đề nghị doanh nghiệp và đề nghị, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, sau khi được giao chức năng TTCN, một số chức danh của ngành BHXH Việt Nam đã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Thông qua đó, ngành đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Trong 5 năm, cơ quan BHXH đã phát hiện vi phạm, ban hành quyết định xử phạt hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt (khi mức xử phạt vượt quá thẩm quyền), với tổng số 2.103 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (bằng 205% số quyết định xử phạt được cơ quan có thẩm quyền ban hành giai đoạn 2011 - 2015), với số tiền phải thu là 114,5 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra của BHXH Việt Nam được tăng cường, trở thành công cụ hữu hiệu trong công tác quản lý của ngành. Thông qua công tác kiểm tra, đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn nhiều hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; chấn chỉnh các sai sót trong công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại BHXH địa phương, các đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT… Trong giai đoạn 2016 - 2020, BHXH Việt Nam chủ trì và phối hợp thực hiện kiểm tra tại 52.408 đơn vị; phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 23.310 đơn vị. Qua đó, yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH số tiền 50,4 tỷ đồng của 64.865 lượt người hưởng các chế độ BHXH không đúng quy định; yêu cầu thu hồi về quỹ BH thất nghiệp số tiền 21,2 tỷ đồng của 3.553 lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp không đúng quy định; yêu cầu thu hồi về quỹ BHYT số tiền 828,4 tỷ đồng khám, chữa bệnh BHYT không đúng quy định…

Cần gỡ vướng mắc trong thực hiện thanh tra, kiểm tra

Sau 5 năm triển khai, công tác TTCN về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về chất và lượng, số đơn vị được thanh tra tăng dần từng năm, chủ yếu tập trung vào các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chức năng TTCN còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do hành lang pháp lý chưa đồng bộ.

Mặc dù, hằng năm số lượt người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ngày càng lớn, nhưng hiện nay cơ quan BHXH mới chỉ được giao thực hiện chức năng TTCN về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp mới chỉ dừng ở chức năng kiểm tra; không có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện các chính sách này đối với các tổ chức, cá nhân, đơn vị sử dụng lao động, cơ sở khám, chữa bệnh BHYT có vi phạm… Ðiều này dẫn tới tình trạng, có hàng trăm nghìn lao động không được hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kịp thời; quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHXH, BHYT bị xâm hại không được ngăn chặn hoặc xử lý kịp thời…

Ðể bảo vệ quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách, BHXH Việt Nam đã đề xuất, kiến nghị Quốc hội, bổ sung quy định trong Luật Thanh tra (sửa đổi). Theo đó, BHXH Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra để thực hiện chức năng TTCN trong các lĩnh vực quản lý của BHXH Việt Nam. Ðồng thời, Thanh tra Chính phủ nghiên cứu và đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Thanh tra theo hướng luật hóa việc thành lập cơ quan thanh tra của ngành BHXH Việt Nam và điều chỉnh những quy định về cơ cấu tổ chức hệ thống thanh tra, kiểm tra BHXH phù hợp với những chức năng, vị trí pháp lý của BHXH Việt Nam.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành BHXH Việt Nam đã chủ trì và phối hợp thực hiện TTCN về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại 35.060 đơn vị. Qua TTCN, đã phát hiện và yêu cầu đơn vị lập hồ sơ đăng ký tham gia, đóng bổ sung thời gian cho 106.590 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian với số tiền truy thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 405,6 tỷ đồng; đóng bổ sung mức đóng cho 133.655 lao động với số tiền truy thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 258,5 tỷ đồng; yêu cầu khắc phục số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 8.955,6 tỷ đồng…

Báo Nhân dân