Hai phương án tăng lương hưu và trợ cấp xã hội: Sẽ chốt theo ý kiến thực tế

31/03/2021 07:31 AM


Nếu điều chỉnh từ ngày 1-7-2021, mức tăng lương hưu và trợ cấp xã hội là 10%; nếu điều chỉnh từ 1-1-2022, mức tăng là 15%.

Đề xuất này trong Dự thảo nghị định điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang thu hút nhiều ý kiến của người dân và các bộ, ngành.

10% nếu tăng từ 1-7-2021; 15% nếu tăng từ 1-1-2022

Trao đổi với Báo Lao Động chiều 23-3, ông Nguyễn Bá Hoan - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết, Dự thảo sẽ được lấy ý kiến trong vòng 2 tháng, tính từ ngày 18.3, sau đó Bộ sẽ tổng hợp lại trình Chính phủ để chốt phương án.

Trả lời câu hỏi về việc đề xuất 8 nhóm đối tượng, liệu có thu hẹp hoặc mở rộng thêm hay không, ông Hoan cho hay hiện Bộ mới trình trong phạm vi này, với các ý kiến khác Bộ sẽ tiếp thu và giải trình. "Ý kiến của các bộ, ngành sẽ có đồng thuận và không đồng thuận, cơ quan soạn thảo phải tiếp thu, giải trình, báo cáo Thủ tướng để báo cáo Chính phủ", ông Hoan nói.

Về 2 phương án, nếu tăng từ ngày 1-7-2021 mức tăng 10% và nếu tăng từ ngày 1-1-2022, mức tăng là 15%, Bộ thiên về phương án nào, ông Hoan cho rằng sẽ căn cứ ý kiến thực tế.

Trước đó, Bộ LĐ-TB- XH đề xuất 2 phương án tăng lương hưu và trợ cấp xã hội. Cụ thể, nếu điều chỉnh từ ngày 1.7.2021, Bộ kiến nghị tăng 10%. Mức này được cho là để bù đắp trượt giá, chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế năm 2019 (GDP tăng 7,02%) và năm 2020 không điều chỉnh lương hưu lẫn trợ cấp bảo hiểm xã hội. Số người được điều chỉnh từ Ngân sách nhà nước chi trả khoảng hơn 925.000, dự kiến kinh phí tăng thêm trong 6 tháng còn lại của năm 2021 là 44.538 tỉ đồng, bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế. Số người được thụ hưởng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội khoảng 2,15 triệu, với mức dự kiến kinh phí tăng thêm khoảng 144.585 tỉ đồng.

Nếu điều chỉnh từ ngày 1-1-2022, mức tăng kiến nghị 15%. Mức này nhằm đảm bảo bù đắp trượt giá, duy trì giá trị của lương hưu, trợ cấp trước lạm phát và chia sẻ thành quả phát triển kinh tế ba năm liên tiếp từ 2019 đến 2021 và không thực hiện điều chỉnh lương hưu giai đoạn 2020-2021.

Theo phương án này, Ngân sách nhà nước sẽ chi trả cho gần 897.000 người với kinh phí dự kiến tăng thêm trong năm 2022 là 47.226 tỉ đồng. Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả cho khoảng 2,28 triệu người với kinh phí dự kiến tăng thêm 168.000 tỉ đồng.

Riêng những người nghỉ hưu trước năm 1995 và đang hưởng lương hưu thấp dưới 2,5 triệu đồng, sau khi điều chỉnh lương vẫn thấp hơn 2,3 triệu đồng/tháng thì tăng thêm 200.000 đồng mỗi tháng; mức từ 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh cho đủ 2,5 triệu đồng/tháng. Nhóm này có khoảng 426.000 người thuộc tám nhóm thụ hưởng, trong đó có công chức, viên chức, người lao động; quân nhân; công an... Kinh phí tăng thêm sau điều chỉnh khoảng 348 tỉ đồng nếu điều chỉnh từ ngày 1.7.2021; tăng thêm 700 tỉ đồng nếu điều chỉnh từ ngày 1.1.2022.

Tăng là cần thiết

Bà Vũ Thị S (68 tuổi, trú tại phường Nhị Châu, TP.Hải Dương) có 20 năm làm tạp vụ trong một cơ quan nhà nước. Đến năm 2006, do thấy sức khoẻ yếu, không đảm bảo nên bà xin chủ động nghỉ hưu sớm trước tuổi. Sau khi đi giám định sức khoẻ, bà chỉ được nhận mức lương hưu 61% (khoảng 1 triệu đồng/tháng). Sau các lần tăng lương cơ bản, hiện bà đang hưởng mức lương hưu rất thấp - khoảng 2,4 triệu đồng/tháng. Bà S bày tỏ mong muốn lương hưu của mình tăng lên trên 3 triệu đồng/tháng, vì như vậy sẽ giúp cuộc sống về già của bà đỡ vất vả hơn.

Chia sẻ về đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp BHXH cho 8 nhóm đối tượng, bà S mong muốn được hưởng mức tăng 15% từ ngày 1.1.2022 hơn là được hưởng mức tăng 10% từ ngày 1.7.2021.

Ông Trần Văn Rinh (xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) năm nay 65 tuổi, đang hưởng trợ cấp mất sức ở mức hơn 900.000 đồng/tháng. "Số tiền này tôi chủ yếu dùng để mua thuốc chữa bệnh, hỗ trợ mua thực phẩm cho cả nhà, mua cám để nuôi cá. Hằng tháng, tôi không dành dụm được đồng nào từ số tiền trợ cấp mất sức này cho sau này" - ông Rinh chia sẻ. Theo ông Rinh, phương án nào trong 2 phương án: Tăng 10% từ ngày 1.7.2021 và 15% từ ngày 1.1.2022 thì ông cũng ủng hộ, vì đối với ông, tăng được đồng nào cũng là đáng quý.

Ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, ở góc độ cá nhân, ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho 8 nhóm đối tượng trên. "Tiền lương hưu phải đảm bảo cuộc sống của người lao động và gia đình họ. Đối tượng có lương hưu thấp đại đa số là NLĐ trực tiếp chứ không phải cán bộ, công chức. Những đối tượng này lúc đi làm đã khó khăn rồi, khi về hưu với mức lương hưu thấp, cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Hơn nữa, nhiều người về hưu có sức khoẻ yếu, gặp nhiều bệnh tật. Vì vậy, việc tăng tiền lương hưu cho những đối tượng trên là cần thiết trong bối cảnh hiện nay" - ông Quảng cho biết.

Người Lao động