Giải pháp gỡ khó, hoàn thành chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế

27/07/2021 09:38 PM


Trước tác động từ một số quyết định của Trung ương, BHXH tỉnh Đắk Lắk triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh của người dân ở các địa bàn khó khăn, thực hiện đạt chỉ tiêu bao phủ BHYT của tỉnh.

Tác động của QĐ861 và QĐ433

Những năm qua, BHXH tỉnh Đắk Lắk luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT. Theo Phòng quản lý thu BHXH tỉnh Đắk Lắk, năm 2020, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh là 1.673.926 người, đạt 100% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao; đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 90,23% dân số toàn tỉnh, vượt 0,23% so với chỉ tiêu Chính phủ giao cho tỉnh năm 2020 theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg (90%).
Ngày 4.6.2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg (gọi tắt QĐ861) về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, có hiệu lực thi hành từ ngày ban hành. Ngày 18.6.2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định số 433/QĐ-UBDT (QĐ433) phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Theo BHXH tỉnh Đắk Lắk, thực hiện 2 QĐ này, các địa bàn thụ hưởng chính sách BHYT thu hẹp. Tính đến ngày 30.6.2021, số người không được thụ hưởng chính sách BHYT theo QĐ861 là 205.247 người; còn theo QĐ433 là 35.499 người. Tổng số người không được thụ hưởng chính sách BHYT theo 2 QĐ trên là 240.746 người, tương ứng giảm 12,99% tỷ lệ bao phủ BHYT/dân số toàn tỉnh.
Ông Huỳnh Kim Tưởng, Phó trưởng Phòng Quản lý thu BHXH tỉnh Đắk Lắk, cho rằng QĐ861 và QĐ433 ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân sống ở nhiều địa bàn khó khăn trong việc khám bệnh, chữa bệnh; tác động không nhỏ đến đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, ảnh hưởng đến quỹ khám bệnh, chữa bệnh và tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh. “Hiện nay, do tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân, nếu không may đau ốm, bệnh tật; đặc biệt những người mắc bệnh cần điều trị dài ngày, điều trị ung thư, chạy thận nhân tạo…, mà không có thẻ BHYT thì người dân đã khó khăn lại càng thêm khó khăn, ảnh hưởng đến an sinh xã hội trên địa bàn”, ông Tưởng đánh giá.

Để đảm bảo quyền lợi của người dân

Ông Tưởng cho biết trước tình hình trên, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã chủ động kiến nghị và thực hiện một số giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT năm 2021. Theo đó, BHXH tỉnh chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã làm việc với UBND các xã, thị trấn để rà soát, xác định số người không được thụ hưởng chính sách BHYT theo QĐ861 và QĐ433 nhưng thuộc nhóm đối tượng khác được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT như nghèo, cận nghèo... thì lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT theo quy định. Đồng thời, phối hợp với UBND xã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn tham gia BHYT hộ gia đình.
Cùng với giải pháp trên, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho các đối tượng không được hưởng chính sách BHYT theo QĐ861 và QĐ433 được tiếp tục thụ hưởng chính sách BHYT đến hết ngày 31.12.2021. “Hiện nay, trong khi chờ Ủy ban Dân tộc lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo thẻ BHYT có giá trị sử dụng liên tục và quyền lợi khám chữa bệnh của người dân, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị UBND tỉnh phương án tạm thời cho gia hạn thẻ BHYT từ ngày 1.7.2021 đến hết ngày 30.9.2021 đối với người dân không được thụ hưởng chính sách BHYT theo QĐ861 và QĐ433. Tổng số tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT cho 240.746 người là 48.426 triệu đồng/3 tháng”, ông Tưởng cho biết.
Tại Quyết định 861/QĐ-TTg, Đắk Lắk có 69 xã khu vực I, 7 xã khu vực II và 54 xã khu vực III. Theo quyết định này, các xã thuộc khu vực II, khu vực III nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng chính sách áp dụng đối với xã khu vực II, khu vực III.

Báo Thanh niên