Đã có hơn 15 triệu người được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68

01/09/2021 04:04 PM


Được ban hành và triển khai từ tháng 1/7/2021, qua 2 tháng triển khai, Nghị quyết 68-NQ/CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho NLĐ, DN gặp khó khăn do Covid-19.

Tinh thần vào cuộc khẩn trương

Ngay sau khi Nghị quyết 68-NQ/CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ được ban hành, các bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai thực thi nhằm đưa chính sách hỗ trợ đến với NLĐ, DN đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước đã có hơn 15 triệu người được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68, tổng số tiền đã chi hỗ trợ 8.400 tỷ đồng, 1,2 triệu lao động tự do với 2.180 tỷ đồng được nhận, 37.000 hộ sản xuất kinh doanh được hỗ trợ. Trong tổng số kinh phí đã hỗ trợ này, các tỉnh phía Nam và một số tỉnh miền Trung chiếm 72%, riêng TP.HCM đã dành trên 3.000 tỷ tiền mặt hỗ trợ lao động tự do, người yếu thế.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá: Nhiều địa phương có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ tích cực, bổ sung chính sách rất đặc thù như hỗ trợ cho người có công, người nghèo, người làm nghề cá, nghề chế biến, gia đình khó khăn, người lang thang cơ nhỡ…

Với vai trò là ngành tổ chức thực hiện ASXH, BHXH Việt Nam cũng đã triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ, Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần khẩn trương nhất. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã có những chỉ đạo quyết liệt nhất, yêu cầu tuyệt đối không để phát sinh thêm thủ tục hành chính, cơ quan BHXH giải quyết hồ sơ ngay khi tiếp nhận, chủ động tuyên truyền chính sách hỗ trợ đến NLĐ, DN… Quy trình thủ tục được thực hiện nhanh gọn, nhất là với việc thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của ngành, đảm bảo NLĐ, DN có thể thực hiện nhanh chóng ngay ở những địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội.

Trưởng Ban Quản lý Thu- sổ thẻ (BHXH Việt Nam) Dương Văn Hào nhấn mạnh, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và nhất là sau khi có Quyết định 23/2020/QĐ-TTg, lãnh đạo BHXH Việt Nam, các bộ phận tham mưu không quản ngại, nề hà khó khăn, làm việc cả ngày nghỉ, thứ Bảy, Chủ nhật, ngay lập tức bắt tay vào nghiên cứu xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện. Hàng loạt công việc đã được triển khai chỉ trong một thời gian rất ngắn.

Chỉ vài ngày sau khi Nghị quyết 68 và Quyết định 23 được triển khai, cơ quan BHXH đã thực hiện xong việc gửi thông báo điều chỉnh mức đóng vào Quỹ BHTNLĐ, BNN cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào quỹ BHTNLĐ, BNN (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) khoảng 4.322 tỷ đồng. Đây cũng là nhóm chính sách được triển khai và hoàn thành sớm nhất trong số 12 chính sách hỗ trợ được triển khai theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23.

Bên cạnh đó, theo báo cáo tổng hợp mới nhất của Ban Quản lý Thu- sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), cập nhật đến hết ngày 31/8, ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 380 đơn vị với 66.388 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 458,4 tỷ đồng tại 43 tỉnh, thành phố.

 Xác nhận danh sách cho 610.369 lao động của 25.868 đơn vị SDLĐ để hưởng các chính sách tại các tỉnh, thành phố. Cụ thể, đã xác nhận 455.777 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của  23.739  đơn vị; 55.050 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 1.230 đơn vị; 1.001 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 8 đơn vị; 44.401 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để vay vốn trả lương ngừng việc của  565 đơn vị; 35.316 lao động được người SDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động) của 176 đơn vị. 18.824 lao động được người SDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người SDLĐ hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) của 150 đơn vị.

Đến nay, các nội dung công việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ, DN gặp khó khăn do Covid-19 đã và đang tiếp tục được toàn ngành BHXH Việt Nam tích cực triển khai; kết quả được báo cáo, cập nhật theo từng ngày, qua đó kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, bảo đảm quyền lợi, an sinh cho NLĐ một cách hiệu quả nhất.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ

Qua quá trình triển khai chính sách hỗ trợ NLĐ, DN gặp khó khăn do Covid-19, thực tế cũng đã bộc lộ một số bất cập. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, điều kiện xác nhận về thuế đang là một trở ngại với nhiều địa phương và người SDLĐ. Bộ LĐTBXH sẽ sớm trình Chính phủ xem xét, sửa đổi, theo đó sẽ bãi bỏ toàn bộ điều kiện về hồ sơ xác định thuế để thúc đẩy nhanh việc hỗ trợ cho NLĐ, DN.

Bộ trưởng cũng khẳng định, sẽ bãi bỏ điều kiện người SDLĐ không có nợ xấu năm 2020, để được vay tiền trả lương cho NLĐ, trả lương phục hồi sản xuất. Các địa phương cũng có thể linh hoạt với các trường hợp lao động có giao kết hợp đồng lao động, nếu không có hồ sơ, thỏa thuận chấm dứt hợp giữa người SDLĐ và NLĐ, bị chấm dứt hợp đồng lao động, để được hưởng chính sách hỗ trợ và hiện nay đây là đối tượng chiếm số đông ở TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Lý do, trong tình hình giãn cách xã hội, người lao động không thể làm hồ sơ được. Trong trường hợp đó chỉ cần người sử dụng lao động có quyết định và công đoàn ký vào là cơ quan chức năng xét duyệt, tiến hành chi trả.

Cần tiếp tục đẩy mạnh, cụ thể, thiết thực việc hỗ trợ cho người dân từ Nghị quyết 68, trong đó những vấn đề tồn tại đối với các địa phương còn chậm triển khai, đề nghị khắc phục ngay. Điều tiếp theo là việc cần tập trung hỗ trợ cho công nhân, lao động bị tạm hoãn, ngừng việc, phải chấm hợp đồng lao động. Bộ trưởng cho rằng, đối với "vùng Xanh" cần tập trung triển khai nhanh tất cả các chính sách này. Còn đối với "vùng Đỏ, vùng Cam" thì tập trung lo cái ăn, cái mặc, an sinh cho người dân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Tạp chí BHXH