Bảo vệ sức khỏe xã hội: Bắt đầu từ thế hệ trẻ

05/09/2021 08:19 AM


Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan và gây nên một cuộc khủng hoảng toàn cầu, vấn đề bảo vệ sức khỏe con người càng trở nên quan trọng. Đại dịch này cũng cho thấy sự cần thiết về việc xây dựng một chính sách để bảo vệ sức khỏe xã hội một cách toàn diện hơn và ngay bây giờ phải được thực thi với thế hệ trẻ, với các em HSSV.

Nhìn từ đại dịch COVID-19

Để người dân được tiếp cận với các quyền lợi chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh với chi phí hợp lý và được trợ cấp thu nhập khi ốm đau thực sự là vấn đề cốt lõi để ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh như COVID-19. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đưa ra khái niệm: bảo vệ sức khỏe xã hội (Social Health Protection- SHP), được hiểu là một loạt các biện pháp của khu vực công hoặc do Nhà nước tổ chức và các biện pháp của tư nhân theo quy định, chống lại sự bất ổn xã hội và tổn thất kinh tế do giảm năng suất, ngừng hoặc giảm thu nhập hoặc kiểm soát chi phí điều trị cần thiết do sức khỏe kém. Bảo vệ sức khỏe xã hội nhấn mạnh sự bảo vệ về tài chính đối với các rủi ro về sức khỏe; BHYT là một trong các cơ chế thực hiện bảo vệ sức khỏe xã hội.

 

Bà Marielle Phe Goursat- chuyên gia kỹ thuật của ILO tại Việt Nam, là một người có nhiều năm phụ trách dự án Hỗ trợ mở rộng bao phủ bảo vệ sức khỏe xã hội khu vực Đông Nam Á. Bà cũng đã có thời gian khá dài nghiên cứu, tìm hiểu về BHYT cũng như đã tham gia triển khai các hoạt động hỗ trợ cải cách xây dựng và thực hiện chính sách này tại Việt Nam.

Đánh giá cao quá trình xây dựng hoàn thiện chính sách, thực thi chính sách BHYT và đặc biệt là việc đạt tỷ lệ bao phủ trên 90% dân số tham gia BHYT, bà Marielle Phe Goursat cho rằng việc đạt mục tiêu 95% dân số Việt Nam có BHYT vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi. Lợi ích của BHYT được thấy rõ khi chi phí chăm sóc sức khỏe của người dân được đảm bảo chi trả, BHYT góp phần gián tiếp bảo vệ thu nhập và khi thu nhập được đảm bảo, các gia đình có đáp ứng tốt hơn các nhu cầu thiết yếu khác của cuộc sống (chẳng hạn như thực phẩm, dinh dưỡng) giúp họ khỏe mạnh. Những người khỏe mạnh có thu nhập đảm bảo có thể đầu tư tốt hơn cho tương lai và chi tiêu cho giáo dục nhiều hơn. Điều này giúp phát triển nguồn vốn con người, dẫn đến lực lượng lao động được giáo dục tốt hơn, khỏe mạnh hơn và năng suất hơn.

Bà Marielle Phe Goursat nhận định, trong bối cảnh bình thường, BHYT đã có vai trò quan trọng, khi đại dịch COVID-19 ập đến và gây ảnh hưởng toàn cầu như hiện nay, BHYT càng khẳng định tính thiết yếu một cách mạnh mẽ hơn.

Bảo vệ sức khỏe xã hội thông qua cơ chế BHYT là công cụ hữu hiệu của Chính phủ Việt Nam nhằm đảm bảo: (i) điều trị cho những người bị nhiễm bệnh và (ii) tạo điều kiện phát hiện sớm và cách ly, (iii) bảo vệ thu nhập của những người có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc đang có các triệu chứng để họ có thể cách ly, qua đó ngăn chặn sự lây lan thêm của vi-rút.

Việt Nam đã đạt mục tiêu phần lớn dân số tham gia BHYT trước khi cuộc khủng hoảng COVID-19 ập đến. Điều này cho phép thực hiện chính sách bảo vệ sức khỏe, bảo đảm cơ chế tài chính ngay lập tức và tự động cho tất cả người tham gia bảo hiểm. Các khoản ngân sách bổ sung của Chính phủ đã góp phần trang trải các chi phí khác, bao gồm cả thực hiện chiến lược cách ly và truy tìm nguồn lây, xét nghiệm, và bây giờ là để triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh của COVID-19, có một vấn đề tồn tại là tỷ lệ bao phủ dân số thấp đối với các quyền lợi an sinh khi ốm đau. Những người bị bệnh do COVID-19 hoặc cần phải cách ly không thể làm việc trong thời gian cách ly, hầu như không hoặc có rất ít sự bảo vệ, bù đắp cho việc mất thu nhập này. Điều này khiến người dân có nguy cơ khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh rộng hơn là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tác động đến Việt Nam.

Bắt đầu từ giới trẻ, từ HSSV

Nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ mở rộng bảo vệ sức khỏe xã hội ở khu vưc Đông Nam Á” do ILO- Luxembourg tài trợ, bà Marielle Phe Goursat cùng nhóm cộng sự cũng đang triển khai một chiến dịch nâng cao nhận thức của SV, hình thành văn hóa về bảo vệ sức khỏe xã hội trong đó có cơ chế BHYT, nhấn mạnh đến lợi ích tham gia BHYT, vì sự gắn kết và thịnh vượng của đất nước Việt Nam.

 

Cũng từ quá trình triển khai các hoạt động của dự án, bà Marielle Phe Goursat có góc nhìn sâu sắc hơn về chính sách BHYT dành cho các em HSSV. Chuyên gia của ILO đánh giá cao tỷ lệ bao phủ BHYT với HSSV tại Việt Nam. Kết quả đạt được cho thấy sự tuân thủ quy định tham gia của gia đình các em HSSV cũng như quá trình phối hợp thực hiện giữa ngành BHXH Việt Nam và ngành GD-ĐT.

Việc Chính phủ hỗ trợ 30% mức đóng cho nhóm HSSV là một nguồn động lực hiệu quả thúc đẩy các gia đình tham gia cho con em mình. Quỹ BHYT cũng phân bổ 5% số thu, phục vụ cho y tế trường học, CSSKBĐ và dự phòng cho các em HSSV- đây là thuận lợi rất lớn, qua đó cho thấy chính sách BHYT của Việt Nam mang tính bao trùm, đem lại lợi ích thiết thực đến từng nhóm đối tượng cụ thể.

Tuy nhiên, bà Marielle Phe Goursat cho rằng, còn một số điểm hạn chế, khi một bộ phận giới trẻ chưa thực sự quan tâm đến BHYT, vẫn còn tình trạng “lựa chọn bất lợi”, tức là một số còn chủ quan về chăm lo sức khỏe, chỉ tham gia BHYT khi có nguy cơ ốm đau, bệnh tật cao hoặc khi thực sự đã ốm đau. Cũng cần lưu ý rằng, ngoài số HSSV đang được tham gia BHYT tại nhà trường, còn có một nhóm không nhỏ thanh niên từ 15 đến 24 tuổi đang tham gia thị trường lao động hàng năm; họ có thể đang được tham gia BHYT theo các diện khác (BHYT hộ gia đình, BHYT do chủ SDLĐ đóng) hoặc cũng có thể không được tham gia nếu là lao động phi chính thức hoặc không có việc làm. Nhìn chung, việc làm của nhóm này thường không ổn định, thu nhập thấp và gặp nhiều hạn chế để tham gia BHYT một cách thường xuyên. Nhóm này chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong cơ cấu khoảng 10 triệu người chưa tham gia BHYT và là một thách thức để đạt bao phủ BHYT toàn dân tại Việt Nam.

Để khắc phục những hạn chế này, công cuộc truyền thông, nâng cao nhận thức của giới trẻ, HSSV về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tham gia BHYT đóng vai trò quan trọng. Đó cũng là lý do bà Marielle Phe Goursat cùng các cộng sự triển khai dự án truyền thông về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, về BHYT hướng tới nhóm SV. Trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ mở rộng Bảo vệ sức khỏe xã hội ở Đông Nam Á” của ILO-Luxembourg, một cuộc thi tìm hiểu kiến thức có tên “Bảo vệ sức khỏe toàn dân, vì sự gắn kết và thịnh vượng của xã hội Việt Nam” do ILO và Trường ĐH Y tế công cộng phối hợp tổ chức, dành cho SV các trường ĐH đang được được tổ chức nhằm trao quyền cho SV trở thành những tác nhân thay đổi xã hội và thúc đẩy văn hóa bảo vệ sức khỏe xã hội.

Từ đây, bà Marielle Phe Goursat nhấn mạnh thông điệp về vai trò quan trọng của BHYT và kêu gọi các bạn trẻ cần đi tiên phong trong việc tham gia và thúc đẩy bảo vệ sức khỏe xã hội. Nâng cao hơn nữa vai trò của SV với việc thúc đẩy hình thành nên văn hóa bảo vệ sức khỏe xã hội cũng như về BHYT; tạo cơ hội cho các em SV tìm hiểu và thể hiện kiến thức, kỹ năng của mình vào ứng dụng thực tiễn. Hình thành một diễn đàn để SV bày tỏ quan điểm và ý kiến, sáng tạo của mình về BHYT và sự phát triển chính sách BHYT ở Việt Nam.

Rõ ràng, với vai trò là thế hệ lực lượng lao động tương lai của đất nước, giới trẻ nói chung, các em HSSV nói riêng cần được bảo đảm chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất có thể. Ngoài trách nhiệm của gia đình, BHYT là chính sách của nhà nước, đem lại một cơ chế tích cực để đạt mục tiêu này; mở rộng BHYT với giới trẻ sẽ đem lại lợi ích cả trước mắt cũng như dài lâu. Giới trẻ cũng cần ý thức rõ tầm quan trọng của BHYT để đóng vai trò chủ động, tích cực hơn trong thúc đẩy sự tham gia, qua đó phát triển của BHYT, từng bước hình thành nền tảng bảo vệ chăm sóc sức khỏe xã hội.

Bà Marielle Phe Goursat nhận định, trong bối cảnh bình thường, BHYT đã có vai trò quan trọng, khi đại dịch COVID-19 ập đến và gây ảnh hưởng toàn cầu như hiện nay, BHYT càng khẳng định tính thiết yếu một cách mạnh mẽ hơn. Với vai trò là thế hệ lực lượng lao động tương lai của đất nước, giới trẻ nói chung, các em HSSV nói riêng cần được bảo đảm chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất có thể. Ngoài trách nhiệm của gia đình, BHYT là chính sách của nhà nước, đem lại một cơ chế tích cực để đạt mục tiêu này; mở rộng BHYT với giới trẻ sẽ đem lại lợi ích cả trước mắt cũng như dài lâu.

Tạp chí BHXH