Vì sao cận Tết là “mùa bệnh người già”?
19/11/2021 08:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
BS.Châu Hoàng Sinh- phụ trách Khoa Lão (BV Lê Văn Việt, TP.HCM) đưa ra những giải thích cùng nhiều lời khuyên hữu ích liên quan bệnh người già.
Nhiều yếu tố khuếch đại
Theo BS.Sinh, khoảng thời gian cận Tết là lúc thời tiết chuyển mùa từ ấm sang lạnh. Khi đó, sinh học cơ thể, nhất là ở người lớn tuổi chưa đáp ứng kịp, nhất là người mắc tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch... thường bị co mạch máu. “Bệnh tiểu đường hay đính kèm sơ vữa mạch máu, cận Tết thời tiết lạnh nên mạch máu lại co thêm tý nữa, là ra thêm bệnh. Hay những người lớn tuổi lâu nay chưa phát bệnh, thì tới mùa lạnh sẽ phát hiện bệnh do yếu tố chuyển mùa tác động...”- BS.Sinh chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia, cận Tết là mùa bận rộn với toàn xã hội. Dịp này, người trẻ cũng hay xao nhãng chăm sóc người lớn tuổi trong nhà. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người lớn tuổi bình thường cả năm bỗng trở bệnh dịp cận Tết, hoặc đang bệnh nhẹ thì trở nặng hơn… Với trường hợp người lớn tuổi bệnh trở nặng trong dịp cận Tết đa số là những người đã sẵn bệnh lý nền, bây giờ có yếu tố thúc đẩy nên bệnh nặng hơn.
Ngoài những bệnh thường gặp, bệnh về mạch máu chuyển hóa, với 4 bệnh lý thường gặp là tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ. Khi có những yếu tố tăng thêm về thời tiết thay đổi làm cho mạch máu co lại, bệnh nhân lớn tuổi sẽ dễ gặp nhiều rủi ro tử vong do nhồi máu cơ tim, đột quỵ, nhồi máu não...
Gia đình ráng để ý…
“Đối với người lớn tuổi và thân nhân, ráng đừng sợ bệnh để trong năm đến cơ sở y tế khám, tái khám theo định kỳ, để phát hiện bệnh sớm, kiểm soát bệnh sớm”- BS.Sinh đưa lời khuyên. Chuyên gia còn lưu ý, khi đến giai đoạn chuyển mùa từ ấm sang lạnh, người thân cần phải chuẩn bị kiến thức chăm sóc sức khỏe, dự phòng đầy đủ vật dụng giữ ấm cho ông bà, cha mẹ, tránh dẫn đến nguy cơ tăng nặng các bệnh lý nền. Đặc biệt, cần để ý từng biểu hiện cơ thể người lớn tuổi để kịp thời đưa đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị.
Riêng với cơ sở y tế tuyến gần dân nhất, như BV Lê Văn Việt, việc xây dựng mô hình bệnh tật đối với bệnh nhân lớn tuổi trong cả năm gắn với thực địa là hết sức cần thiết. Dựa trên mô hình này, cơ sở y tế sẽ dự đoán khoảng thời gian nào thì bệnh này tăng, bệnh kia giảm; qua đó giúp cơ sở y tế chuẩn bị sẵn phương tiện, trang thiết bị, VTYT, thuốc… để thăm khám, điều trị đạt hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, cơ sơ y tế gần dân cũng cần thực hiện chiến lược tầm soát các bệnh mạn tính đối với người lớn tuổi. Nếu làm tốt vấn đề này sẽ giảm thiểu tình trạng người lớn tuổi phải nhập viện trong thời khắc chuyển mùa như dịp cận Tết. “Bên cạnh đó, cơ sở y tế nếu thực hiện thường xuyên, liên tục các chương trình tương tác giáo dục sức khỏe cộng đồng, sẽ gia tăng hiệu quả bảo vệ sức khỏe của không chỉ người lớn tuổi, mà với tất cả dân cư trên địa bàn”- BS.Sinh đưa thêm giải pháp.
Theo BS.Nguyễn Khoa Lý- Giám đốc BV Lê Văn Việt, hồi cuối tháng 9/2021, BV được giao thiết lập Khoa Lão tại BV dã chiến điều trị COVID-19 TP.Thủ Đức số 3. Tại thời điểm đó, BV Lê Văn Việt cũng chưa có Khoa Lão khoa, nên đã “chiêu hiền” đối với BS.Châu Hoàng Sinh, người hơn 10 năm gắn với hoạt động điều trị bệnh lý tiểu đường trên người lớn tuổi. Trong thời gian tới, với sự ra đời của Khoa Lão, BV Lê Văn Việt sẽ triển khai chiến lược tầm soát bệnh mạn tính đối với người lớn tuổi, đồng thời tương tác giáo dục sức khỏe cộng đồng với điểm nhấn là chăm sóc người lớn tuổi. “BV Lê Văn Việt luôn gắng sức phát triển lớn mạnh từng ngày, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu KCB BHYT của người dân, đồng thời chủ động bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là các bậc cao niên”- BS.Lý chia sẻ.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số