Phát huy vai trò chính sách BHXH trong đại dịch
08/11/2021 07:42 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhận rõ những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, Đảng và Nhà nước đã kịp thời có nhiều biện pháp hỗ trợ người dân và DN, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương. Một điều dễ nhận thấy: Chính sách BHXH đã đóng vai trò quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ người dân và DN trong đại dịch.
Nhiều quyết sách, biện pháp hỗ trợ DN và NLĐ
Ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và ngày 19/10/2020 ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó nêu rõ: “Người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch, thì NLĐ và người SDLĐ được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng”.
Trước những tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư (từ cuối tháng 4/2021), ngày 1/7/2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do dịch COVID-19 với 12 chính sách hỗ trợ, nguồn từ quỹ BHXH, quỹ BH thất nghiệp và quỹ BH TNLĐ-BNN gồm:
- Giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN: Người SDLĐ được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN trong 12 tháng (thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho NLĐ thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN (trừ CBCCVC, người thuộc LLVT nhân dân, NLĐ trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ NSNN). Người SDLĐ hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN để phòng chống COVID-19.
- Tạm dừng đóng vào quỹ Hưu trí và tử tuất: Người SDLĐ đã đóng đủ BHXH hoặc đang tạm dừng đóng vào quỹ Hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 4/2021 thì NLĐ và người SDLĐ được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ. Đối với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.
- Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ: Người SDLĐ được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ quỹ BH thất nghiệp khi đóng đủ BH thất nghiệp cho NLĐ từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ theo quy định. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/NLĐ/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.
Đến nay, nhóm chính sách bảo hiểm có tổng kinh phí hỗ trợ là gần 5.100 tỷ đồng (chiếm 30,6% kinh phí dự kiến chính sách về bảo hiểm của Nghị quyết 68), hỗ trợ cho 378.690 đơn vị SDLĐ và trên 11,57 triệu NLĐ. Cơ quan BHXH đã rà soát và thông báo cho 378.060 đơn vị SDLĐ với gần 11,46 triệu NLĐ được giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.322 tỷ đồng. Tổng kinh phí đã giảm đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN trong tháng 7, 8 và 9/2021 là gần 877,2 tỷ đồng..
Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã được thực hiện cho khoảng 750 đơn vị SDLĐ, tổng kinh phí gần 950 tỷ đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ, có 17 đơn vị SDLĐ đã đề nghị cơ quan BHXH xác nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 1.308 NLĐ.
Gần đây nhất, ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ BH thất nghiệp. Theo đó:
- Hỗ trợ bằng tiền cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư quỹ BH thất nghiệp: NLĐ đang tham gia BH thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm NLĐ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên); NLĐ đã dừng tham gia BH thất nghiệp do chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐ làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng BH thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng. Mức hỗ trợ từ 1.800.000 đồng/người đến 3.300.000 đồng/người);
- Giảm mức đóng vào quỹ BH thất nghiệp cho người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19: Người SDLĐ quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia BH thất nghiệp trước ngày 1/10/2021.
Mức giảm đóng: Người SDLĐ được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ thuộc đối tượng tham gia BH thất nghiệp. Thời gian thực hiện giảm mức đóng là 12 tháng, kể từ ngày 1/10/ 2021 đến hết ngày 30/9/2022. Dự kiến khoảng hơn 13 triệu lao động và khoảng 386.000 đơn vị SDLĐ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp.
Với việc tổ chức thực hiện các chính sách kịp thời, giảm thiểu các TTHC, tăng cường ứng dụng CNTT nên các gói hỗ trợ nêu trên đã kịp thời hỗ trợ người dân, NLĐ và DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.
BHXH khẳng định vai trò trụ cột đảm bảo an sinh
Những chính sách, kết quả trên đã tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của các quỹ BHXH, BH thất nghiệp, TNLĐ- BNN trong đảm bảo an sinh xã hội. Để tiếp tục phát huy vai trò này, theo chúng tôi, cần tập trung các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền về tính ưu việt của chính sách BHXH, BH thất nghiệp, BHXH tự nguyện, nâng cao nhận thức của người dân, DN về chính sách bảo hiểm, đặc biệt là vai trò của chính sách BHXH trong việc hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH kể cả bắt buộc và tự nguyện; chính sách BH thất nghiệp cần quan tâm đến đào tạo nghề và nâng cao trình độ nghề, kết nối cung- cầu để sớm đưa NLĐ trở lại thị trường lao động, cụ thể đó là:
Thiết kế chính sách BHXH bắt buộc và chính sách BHXH tự nguyện phải linh hoạt điều kiện tham gia, thụ hưởng, nhằm thu hút NLĐ tham gia. Đây là chính sách an sinh xã hội chủ động và bền vững nhất, tiến tới BHXH toàn dân, mọi NLĐ và người có thu nhập đều tham gia BHXH.
Tăng cường chế tài xử lý nghiêm các hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH để khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH. Xem các hành vi trốn đóng BHXH và chiếm dụng tiền đóng BHXH của người SDLĐ là tội hình sự để nâng cao hiệu lực xử lý vi phạm pháp luật BHXH; có phương án giải quyết cụ thể về quyền lợi cho NLĐ khi DN nợ, chiếm dụng tiền đóng BHXH và không còn tài sản để giải quyết quyền lợi BHXH của NLĐ.
Đảm bảo việc cân đối quỹ BHXH: Tính toán tiền lương đóng BHXH hàng tháng nên thực hiện theo mức tiền ghi trong HĐLĐ nhằm đảm bảo việc đóng và hưởng của NLĐ. Đồng thời, điều chỉnh mức tiền lương hưu hưởng hàng tháng theo một lộ trình phù hợp, khắc phục tình trạng mất cân đối trong đóng- hưởng BHXH, đảm bảo cân đối quỹ BHXH lâu dài.
Bên cạnh đó, quỹ BHXH là quỹ an sinh xã hội lớn nhất của quốc gia, liên quan đến nhiều NLĐ, do vậy, hoạt động đầu tư, tăng trưởng quỹ BHXH linh hoạt, nhưng phải an toàn.
Nghiên cứu tăng mức hỗ trợ để hấp dẫn NLĐ, người dân tham gia: Ví dụ, khi người dân mới tham gia BHXH, Nhà nước có mức hỗ trợ tối đa (khoảng 70%) nhằm tạo thói quen, đẩy nhanh độ bao phủ BHXH, đến khi người dân có điều kiện kinh tế khá hơn và đã nhận thức được tính ưu việt của chính sách, có thói quen tham gia BHXH thì thực hiện lộ trình hỗ trợ theo hướng giảm dần một cách phù hợp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phát triển hơn nữa đội ngũ cộng tác viên trong thực hiện chính sách BHXH, đặc biệt là chính sách BHXH tự nguyện.
Thứ ba, tăng cường sự phối hợp trong thực hiện và tuyên truyền về chính sách BHXH như: phối hợp với các tổ chức Công đoàn, Hội LHPN, Liên minh HTX, Đoàn thanh niên,… cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành để tạo sự đồng thuận, đồng bộ trong quá trình đưa chính sách BHXH đến mọi người dân, NLĐ, DN.
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác dự báo nhu cầu tham gia, đánh giá khả năng tham gia của NLĐ nói riêng và người dân nói chung để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách có liên quan ngày một phù hợp hơn và hấp dẫn người dân trong việc tham gia BHXH.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách TTHC, đồng bộ, chia sẻ cơ sở dữ liệu về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong việc giải quyết chế độ; đồng bộ hóa các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, theo dõi, giám sát cũng như thiết kế chính sách BHXH. Đồng thời, tăng cường việc ứng dụng CNTT đảm bảo sự đồng bộ, toàn diện trong các khâu thực hiện chính sách BHXH.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số