Mọi người đều có quyền lựa chọn “tuổi già an vui”
05/12/2021 01:36 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Lương hưu lâu nay là nguồn tài chính vô cùng quý giá của đại đa số người nghỉ hưu. Ai hết tuổi lao động cũng mong có đồng ra đồng vào, chỉ một số ít sống bằng nguồn tài sản tích cóp được hoặc dựa vào con cái hỗ trợ. Bởi vậy, để có “tuổi già an vui” là niềm ước ao và cũng là quyền của mọi người
Tuy nhiên, trên thực tế, số người không có lương hưu ở nước ta vẫn còn rất nhiều. Có không ít người luôn cho rằng, con cái là mối đầu tư lớn, nên khi con còn nhỏ, cha mẹ thường dồn hết tình yêu, tiền bạc cho con, chứ ít khi quan tâm đến tương lai của mình sau này. Khi những đứa trẻ còn trong độ tuổi học hành, các bậc cha mẹ đều mong con thành tài để “nở mày nở mặt”, với hy vọng lúc về già thì cha mẹ có nơi nương tựa như người xưa thường hay nói “Trẻ cậy cha, già cậy con”.
Nhiều người cao tuổi tự tin khi có lương hưu
Thực tế cũng cho thấy, nhiều người sau này được sống trong sung sướng, khi con cái thành đạt, ăn nên làm ra và báo đáp công dưỡng dục của cha mẹ. Nhưng số không nhỏ cũng phải ngậm ngùi, chật vật sống bởi nhiều lý do. Có những người mà con gặp khó khăn về kinh tế nên không có điều kiện chăm sóc bố mẹ. Có người bị con cái thờ ơ, bỏ rơi không quan tâm… Chính vì vậy, khi hết tuổi lao động, lại không có tích lũy, nhiều người phải chật vật bươn chải kiếm sống hoặc chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp xã hội ít ỏi…
Những năm gần đây, với xu thế phát triển của xã hội hiện đại, quan điểm của nhiều người về cuộc sống đã thay đổi. Tôi nhớ có một bài báo đăng về quan điểm của một người phụ nữ gần 60 tuổi rằng: “Tại sao phải đè nặng trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ lên đứa con?”. Tôi tin bất cứ cha mẹ nào cũng đều mong con cái ngoan ngoãn, trưởng thành và sống một đời bình an. Tư tưởng con cái phải phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, làm tròn đạo hiếu vô hình trung khiến đứa trẻ vừa trưởng thành phải mang một gánh nặng trên vai. Cũng vì vậy, ở các nước hiện nay, nhiều bậc làm cha làm mẹ thay vì tằn tiện chi tiêu, gom góp mua nhà, mua xe… cho con thì đã biết để dành tiền lo cho mình. Tôi thấy đây là sự văn minh, chúng ta nên học hỏi.
Bạn nghĩ gì về quan điểm này? Vậy làm thế nào để về già được sống tự do, hạnh phúc, bớt phụ thuộc con cháu? Với góc nhìn của người làm công tác truyền thông về chính sách BHXH, một chính sách an sinh xã hội rất ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, tôi đã được gặp gỡ, được trò chuyện với rất nhiều người hết tuổi lao động đã có cuộc sống an vui, tự do tự tại, không phụ thuộc con cái. Như trường hợp ông Nguyễn Văn Ngãi (ở xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).
Trước đây, ông Ngãi công tác tại địa phương được 13 năm, lúc hết tuổi công tác, chưa đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, ông lo lắng không biết cuộc sống sau này sẽ ra sao. Ông đã được nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT đến tận nhà tư vấn đóng BHXH tự nguyện với phương thức “đóng một lần cho những năm còn thiếu” để đủ 20 năm đóng BHXH. Nhờ đóng tiếp BHXH tự nguyện, đến nay ông Ngãi đã nhận lương hưu được 2 năm. Khoản lương hưu hàng tháng đã giúp ông trang trải cuộc sống gia đình. Ước mơ của ông Ngãi khi về già có lương hưu nay cũng đã thành hiện thực.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Ngãi cho biết: “Lúc tôi đóng tiền tham gia BHXH tự nguyện lại được Nhà nước hỗ trợ đóng. Tôi đã đóng thêm 6 năm 8 tháng và tôi đã được hưởng lương hưu từ 2 năm nay rồi. Ngoài lương hưu, tôi còn được cấp thẻ BHYT với mức hưởng 95% chi phí KCB. Đây là thuận lợi rất lớn cho những người đã có tuổi như tôi. Tôi thấy chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng là chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước, nếu người dân ai cũng tham gia thì đều được đảm bảo an sinh xã hội lúc về già”.
Không chỉ ông Ngãi, mà rất nhiều người đã từng được hưởng lương hưu từ BHXH tự nguyện đều cảm thấy an tâm, tự tin khi về già, vì không lo phải phụ thuộc vào con cháu. Ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm hơn đến kênh tiết kiệm, tích góp phù hợp và hiệu quả, khi quyết định để dành mỗi ngày chưa tới 5.000 đồng để tham gia BHXH tự nguyện. Đây là tín hiệu đáng mừng mà những lao động tự do cần nắm bắt để tạo dựng tương lai cho mình.
Câu chuyện của chị Lĩnh- chủ một Spa nhỏ ở chợ Hải Tân (TP.Hải Dương) cũng là một minh chứng sinh động. Năm nay gần 40 tuổi, chị Lĩnh đã chủ động tìm hiểu về chính sách BHXH tự nguyện trên chương trình tuyên truyền trực tuyến do BHXH tỉnh Hải Dương tổ chức và quyết định đăng ký tham gia. Chị Lĩnh tâm sự rằng, gần đây do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mấy lần cửa hiệu Spa của chị phải đóng cửa. Hàng ngày chứng kiến nhiều người hàng xóm cao tuổi không có thu nhập nên cuộc sống bấp bênh, khiến chị đâm lo cho tương lai của mình, nhất là sự ám ảnh sau này trở thành gánh nặng cho con cái.
Cũng ngay cạnh nhà chị Lĩnh có một bác cao tuổi đang hưởng chế độ hưu trí, tháng vừa rồi được lĩnh 2 tháng lương một lúc, nên cuộc sống rất an nhàn. Tự so sánh cuộc sống của những người có lương hưu với người không có lương hưu, chị Lĩnh lại chạnh lòng và thầm ao ước sau này mình cũng có lương hưu, để cuộc sống đỡ vất vả. “Giờ mình còn khoẻ, thu nhập thì phập phù do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên chọn mỗi tháng đóng hơn 500.000 đồng, coi như vừa tiết kiệm, vừa khích lệ bản thân nỗ lực làm việc, có thu nhập đều đặn để đóng BHXH. Sau này thu nhập có tăng hay giảm, mình sẽ điều chỉnh mức đóng sau…”- nhận thấy những lợi ích mà chính sách BHXH tự nguyện mang lại, nên chị Lĩnh đã quyết định tham gia luôn cho cả 2 vợ chồng, thậm chí còn vận động các nhân viên cùng tham gia.
Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp đã tham gia BHXH tự nguyện và coi đó là giải pháp “cứu cánh” cho mình lúc tuổi cao sức yếu. Lương hưu không phải là khoản tiền lớn, nhưng nó đem lại sự an tâm cho NLĐ tự do, nhất là những người không có nguồn thu nhập ổn định, không nơi nương tựa. Hiểu được những lợi ích của khoản tiền “dưỡng già” này, không ít lao động tự do đã lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu, ổn định cuộc sống khi về già.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số