Chống trục lợi quỹ ốm đau, thai sản Bài cuối Cần sớm bịt “kẽ hở”

05/01/2022 07:30 AM


Với sự nhạy bén của các cán bộ BHXH trong quá trình giải quyết chế độ, cũng như sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu của Ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, nhiều trường hợp trục lợi quỹ ốm đau, thai sản đã bị phát hiện và được ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, để tình trạng này không tiếp tục tái diễn và biến tướng, cần có những điều chỉnh về mặt pháp lý phù hợp với thực tế.

Phát hiện và thu hồi kịp thời

Những năm gần đây, số người tham gia BHXH trên địa bàn Hà Nội ngày một tăng, nên số tiền chi trả các chế độ cũng tăng theo. Lợi dụng kẽ hở của luật, một số đối tượng đã cố tình lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH bằng nhiều hình thức, mức độ khác nhau, chiếm đoạt số tiền không nhỏ từ quỹ.

Bà Trần Thị Thu Hà- Phó Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH TP.Hà Nội)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH, bà Trần Thị Thu Hà- Phó Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH TP.Hà Nội) cho biết, những hành vi trục lợi quỹ BHXH trên địa bàn Hà Nội vẫn thường xuyên diễn ra, nhưng từ năm 2020- khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay có xu hướng gia tăng, chủ yếu như: Làm giả hồ sơ tăng lương gấp nhiều lần thực tế để hưởng chế độ thai sản cao hơn (tăng lương bất thường); gửi đóng BHXH; làm giả hồ sơ, giấy tờ để hưởng chế độ BHXH… Một trong những hành vi phổ biến là nhiều cá nhân và DN đã thông đồng với nhau lập hồ sơ hưởng chế độ thai sản giả nhằm trục lợi. “Theo quy định, NLĐ hưởng chế độ thai sản được nhận mức trợ cấp mỗi tháng bằng 100% bình quân của mức lương 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, với điều kiện trong 6 tháng đó NLĐ phải đóng BHXH. Do đó, nhiều DN đã tăng lương đột biến cho phụ nữ mang thai 6 tháng trước khi sinh để hưởng chế độ trợ cấp cao hơn”- bà Hà lý giải.

Chia sẻ về những hành vi trên, bà Hà cho hay, để ngăn chặn, BHXH TP.Hà Nội luôn chú trọng và tăng cường kiểm tra, rà soát kỹ các trường hợp đề nghị giải quyết chế độ thai sản có thời gian đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Qua kiểm tra, xác minh bằng các nghiệp vụ chuyên môn, nếu phát hiện có hiện tượng đăng ký đóng BHXH nhưng thực tế không làm việc, không có tiền lương hoặc tiền công tại đơn vị, thì không giải quyết hưởng chế độ thai sản cho những đối tượng này.

Đối với những trường hợp có dấu hiệu tăng lương đột biến, bất thường cho NLĐ, cơ quan BHXH sẽ kiểm tra, đối chiếu hệ thống thang, bảng lương DN đã đăng ký, từ đó xác định mức hưởng đúng cho NLĐ… “Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện hơn 20 lượt NLĐ tăng lương bất thường với số tiền trục lợi hơn 627 triệu đồng; 38 lượt NLĐ gửi đóng BHXH với số tiền trục lợi hơn 804 triệu đồng; hơn 1.000 lượt NLĐ sử dụng chứng từ có dấu hiệu giả mạo với số tiền trục lợi gần 1 tỷ đồng”- bà Hà thông tin.

Sử dụng nền tảng dữ liệu của Ngành để ngăn chặn

Là địa phương có đông DN và NLĐ, thời gian qua, BHXH tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện nhiều sai phạm trong lĩnh vực BHXH. Trong đó, chủ yếu là tình trạng NLĐ thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian tham gia; đơn vị SDLĐ đóng thiếu mức quy định cho NLĐ… Đặc biệt, là việc lợi dụng kẽ hở để trục lợi chính sách như tham gia “BHXH tạm” tại DN để hưởng chế độ thai sản.

BHXH tỉnh Quảng Ninh phát hiện nhiều trường hợp gửi đóng BHXH tại DN để trục lợi chế độ thai sản

Bà Vũ Hồng Hạnh- Phó Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH tỉnh Quảng Ninh) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, BHXH tỉnh đã phát hiện nhiều trường hợp gửi đóng BHXH tại DN để hưởng chế độ thai sản. “Dù vẫn còn tình trạng trục lợi quỹ ốm đau, thai sản, nhưng nhờ phát hiện sớm vi phạm và hậu kiểm tốt, nên hầu như số tiền trục lợi đều được thu hồi về quỹ”- bà Hạnh nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hạnh, căn cứ cơ sở dữ liệu của Ngành cũng như dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp, trong quá trình xét duyệt các chế độ, nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường (lương cao đột biến so với trong đơn vị, thanh toán thai sản có thời gian tham gia BHXH từ 6-8 tháng trước khi sinh…), Phòng Chế độ BHXH sẽ lập danh sách đề nghị Phòng Thanh tra-Kiểm tra tiến hành thanh tra hoặc hậu kiểm.

BHXH tỉnh cũng yêu cầu 100% hồ sơ thanh toán chế độ ốm đau, thai sản phải được thực hiện đối soát giám định và đối soát chứng từ trên Cổng giám định BHYT của BHXH Việt Nam, đảm bảo hồ sơ nào có dữ liệu trên C79 mới được thanh toán. “Trong 8 tháng đầu năm 2021, BHXH tỉnh Quảng Ninh đã thu về quỹ BHXH số tiền 351,9 triệu đồng”- bà Hạnh thông tin.

Cần sửa Luật BHXH phù hợp

Theo ông Đỗ Ngọc Thọ- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có cả chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính là nằm ở “kẽ hở” của chính sách như: Việc quy định cách tính và thời gian hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con, nhận nuôi con nuôi, mang thai hộ, nhờ mang thai hộ quá mất cân đối trong quan hệ đóng- hưởng, trung bình gần 34 người đóng mới bằng số tiền chi cho một người hưởng. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến trục lợi quỹ ốm đau, thai sản như gửi đóng BHXH để hưởng chế độ, đóng BHXH cao bất thường để hưởng mức cao.

Bên cạnh đó, việc quy định hưởng chế độ ốm đau với trường hợp NLĐ nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày ngay từ tháng đầu đăng ký tham gia BHXH và hưởng 75% mức lương đăng ký trong 180 ngày như trước đây là không hợp lý. Việc mở rộng danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày của Bộ Y tế từ 11 danh mục bệnh lên 332 danh mục bệnh là nguyên nhân dẫn đến điều kiện hưởng dễ dàng, tăng chi quỹ ốm đau, thai sản, làm mất công bằng và ảnh hưởng tới người đã thực hiện đóng BHXH nghiêm chỉnh nhiều năm.

Đặc biệt, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH còn quá dễ dàng. Hiện nay, Bộ Y tế giao các cơ sở KCB chủ động in, cấp giấy chứng nhận, dẫn đến việc mua bán các giấy tờ này diễn ra ở một số địa phương và chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để… Trước những bất cập trên, ông Đỗ Ngọc Thọ cho rằng, cần sớm phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định đã ban hành tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát quỹ. Đặc biệt, cần sửa đổi Luật BHXH năm 2014 theo hướng quy định lại điều kiện hưởng chế độ thai sản về thời gian tham gia BHXH trong 12 tháng trước khi sinh con, nhận nuôi con nuôi.

Đồng thời, siết chặt hơn quy trình cấp giấy chứng nhận tại các cơ sở KCB; sửa đổi mức hưởng chế độ ốm đau đối với NLĐ nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày có số ngày lẻ không trọn tháng lớn hơn 24 ngày tối đa bằng mức hưởng theo tháng; không giải quyết nghỉ DS-PHSK với thời gian nghỉ gián đoạn để tránh việc lạm dụng quỹ ốm đau, thai sản khi chỉ chọn nghỉ vào các ngày nghỉ tuần để thanh toán…

Phạm Loan