WHO: Kêu gọi tìm giải pháp cắt giảm ô nhiễm nhựa vì sức khoẻ con người

07/10/2019 04:03 AM



(Ảnh minh hoạ)

Ô nhiễm hạt vi nhựa được gây ra chủ yếu do sự phân hủy rác thải nhựa và tình trạng này đang diễn ra trên toàn cầu. Vi nhựa có ở khắp nơi, bao gồm không khí, đất, sông hồ, biển cả..., thậm chí, được tìm thấy trong nước máy, nước đóng chai, hải sản và bia. Các nhà khoa học Mỹ đã sử dụng chế độ ăn uống do Chính phủ quy định nhằm tính toán lượng hạt vi nhựa con người “ăn” trong 01 năm; ước tính trung bình người lớn “ăn” khoảng 50.000 hạt vi nhựa/năm, còn trẻ em là 40.000 hạt vi nhựa/năm.

Theo phân tích mới nhất về hạt vi nhựa trong nước uống, hạt vi nhựa có độ lớn hơn 150 micromet sẽ không có khả năng hấp thụ trong cơ thể con người. Với hạt nhỏ hơn, khả năng hấp thụ cao hơn; tuy nhiên, dữ liệu phân tích khoa học về vấn đề này cực kỳ hạn chế. Do đó, các nghiên cứu thêm là cần thiết để có được những đánh giá chính xác hơn về vi nhựa và tác động của hạt vi nhựa lên sức khỏe con người như tìm ra phương pháp tiêu chuẩn để đo lường các hạt vi nhựa trong nước; nghiên cứu về nguồn gốc và sự xuất hiện của hạt vi nhựa trong nước; hiệu quả của các quy trình xử lý khác nhau.

WHO khuyến nghị các công ty, dịch vụ cung cấp nước uống cần ưu tiên xử lý lọc bỏ vi khuẩn, hóa chất mang theo nguy cơ cho sức khỏe con người. Bởi điều này là “một công đôi việc”, hệ thống xử lý nước uống, nước thải vận hành sẽ không chỉ xử lý vi khuẩn, hoá chất, mà còn có hiệu quả trong việc loại bỏ hạt vi nhựa.

Các nghiên cứu cho thấy, việc xử lý nước thải có thể loại bỏ hơn 90% hạt vi nhựa từ nước thải, trong đó, hiệu quả loại bỏ cao nhất thu được từ quá trình xử lý chuyên sâu như lọc nước. Xử lý nước uống thông thường có thể loại bỏ các hạt vi nhựa nhỏ hơn 01 micromet. Bên cạnh đó, hiện 01 tỷ lệ đáng kể dân số toàn cầu vẫn chưa có nước sạch và công trình vệ sinh đầy đủ; do đó, việc giải quyết các vấn đề của con người gặp phải khi tiếp xúc với nguồn nước, các cộng đồng dân cư cũng đồng thời có thể giải quyết mối lo ngại liên quan đến hạt vi nhựa.

Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội