Cần đánh giá xác đáng nguyên nhân rút BHXH một lần

11/08/2023 11:45 PM


Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp diễn ra từ ngày 14 đến 18/8 tới. Để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất tăng thêm lợi ích với hy vọng giúp “giữ chân” người tham gia BHXH.

Theo đó, cơ quan soạn thảo đã bổ sung 5 quyền lợi NLĐ sẽ được hưởng nếu bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Đồng thời, đề xuất 2 phương án về rút BHXH một lần.

Cụ thể, theo phương án 1, chỉ những người đã tham gia BHXH trước khi luật này có hiệu lực mới được rút BHXH một lần. Nếu chọn bảo lưu thời gian đóng, NLĐ sẽ được hưởng 5 quyền lợi, nếu rút BHXH một lần thì sẽ mất các quyền lợi này. Còn lại, những người đóng BHXH từ khi luật có hiệu lực sẽ không được rút BHXH một lần, trừ 3 trường hợp (đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng, ra nước ngoài định cư hoặc mắc bệnh nguy hiểm tính mạng).

Phương án 2 là đề xuất ban đầu khi xây dựng dự thảo luật này. Cụ thể, NLĐ rút BHXH một lần chỉ được giải quyết tối đa 50% thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; thời gian còn lại được bảo lưu để hưởng các chế độ BHXH và được khuyến khích đóng tiếp. Điều kiện được rút một lần đó là không thuộc diện tham gia BHXH đủ 12 tháng, thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm…

Như vậy có thể thấy, về mặt kỹ thuật, cả 2 cách tiếp cận tăng quyền lợi (khuyến khích lợi ích tài chính) và/hoặc yêu cầu điều kiện cao hơn khi rút (tức giảm động lực rút) đều đã được tính toán để đưa vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Theo ông Đặng Thuần Phong- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, người nhận BHXH một lần đa phần là người trẻ tuổi, họ lựa chọn hưởng BHXH một lần mà không suy nghĩ tương lai về già sẽ sống ra sao. Nguyên nhân là, ở giai đoạn tuổi trẻ, hầu hết NLĐ quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Một nguyên nhân khác là do áp lực về tài chính (bắt đầu tự lập, tiếp tục đầu tư học tập nâng cao trình độ nghề, lập gia đình, nuôi con nhỏ...) nên số lượng người hưởng BHXH một lần ở độ tuổi lao động trẻ chiếm tỷ trọng lớn.

“Tôi thấy rất đau lòng, những NLĐ còn trẻ, còn khỏe lại tiêu vào số tiền tích lũy "của để dành", rồi về già lại trắng tay. Việc nhận BHXH một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài”, bởi ngay khi hưởng BHXH một lần, toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của NLĐ không được bảo lưu. Trong khi đó, nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH, khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, thì NLĐ được hưởng rất nhiều quyền lợi”- ông Phong phân tích.

Do đó, ông Phong cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu điều chỉnh chế độ hưu trí tốt hơn chế độ hưởng BHXH một lần. Nếu chính sách hưu trí lợi hơn thì nhóm rút BHXH sẽ không rút nữa. Đồng thời, nếu rút BHXH một lần mà lợi hơn thì NLĐ rút nhiều lần. Chúng ta phải có chính sách để chế độ hưu trí phải tốt hơn hưởng BHXH một lần, như vậy mới khuyến khích NLĐ chờ hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, đối với nhóm có khó khăn thực sự thì cần có chính sách hỗ trợ tại thời điểm họ gặp khó khăn, qua đó giúp họ từ bỏ ý định rút BHXH một lần.

Tạp chí BHXH