Quốc hội nghe các Báo cáo tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH

23/10/2021 09:09 AM


Chiều 22/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2020; Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHYT, quản lý và sử dụng quỹ BHYT năm 2020; việc thực hiện Nghị quyết số 68 về phát triển BHYT hướng tới BHYT toàn dân.

Nỗ lực mở rộng diện bao phủ BHXH

Trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2020, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hết năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 68 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện chính sách BHXH (27 Nghị định, 6 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 35 Thông tư). NSNN đã hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện với tổng số tiền hơn 137,6 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2019.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo của Chính phủ

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện cung cấp DVC trực tuyến ở mức độ 4 cho tất cả các TTHC (27/27 thủ tục); kết nối, tích hợp và cung cấp 15 DVC trên Cổng DVC quốc gia. Trong năm 2020, cơ quan BHXH các địa phương đã tiếp nhận và giải quyết trên 85 triệu hồ sơ giao dịch điện tử.

Theo đánh giá của Chính phủ, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp tiếp tục giữ được đà tăng, đặc biệt phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,1 triệu người, chiếm 2,33% lực lượng lao động trong độ tuổi- vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW. Cụ thể, số người tham gia BHXH đạt trên 16,176 triệu người và bằng 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi- đạt chỉ tiêu đặt ra của năm 2020. Qua rà soát, có trên 151.000 tổ chức, cá nhân có trả thu nhập nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc cho NLĐ; trên 213.000 tổ chức, cá nhân chưa tham gia đầy đủ. Cơ quan BHXH rà soát trên 196.000 DN và xác định được gần 388.000 NLĐ thuộc đối tượng nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc.

Tuy số người tham gia BHXH có tăng, nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp giảm và số tiền chậm đóng BHXH tiếp tục tăng so với năm 2019. Đây là năm đầu tiên số người tham gia BHXH bắt buộc bị giảm so với năm trước, mà nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dẫn đến NLĐ tại các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm, không còn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. “Điều này do số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong năm 2020. Nhận thức của một số NLĐ và chủ SDLĐ trong việc tham gia BHXH vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở các DN nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BH thất nghiệp gặp nhiều hạn chế”- ông Dung phân tích.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh trình bày Báo cáo thẩm tra

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, việc phát triển người tham gia BHXH đạt 95,71% chỉ tiêu đề ra trong năm 2020 là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, số liệu thực tế cho thấy, việc phát triển lực lượng tham gia BHXH còn thấp, đặc biệt là việc phát triển BHXH bắt buộc và sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu năm 2021 mà Nghị quyết số 28 đề ra.

“Dư địa phát triển người tham gia BHXH bắt buộc trong khả năng quản lý thực tế còn không nhiều. Qua rà soát trên 196.000 DN với 2.558.700 NLĐ, cơ quan BHXH xác định gần 388.000 NLĐ thuộc đối tượng tham gia nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc; trên 1.410.000 NLĐ không thuộc đối tượng tham gia; số còn lại khoảng trên 760.000 NLĐ đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng khi thống kê bị trùng thành đối tượng chưa tham gia”- bà Thúy Anh cho biết.

Công tác thu hồi nợ BHXH đạt kết quả cao

Cũng theo bà Nguyễn Thúy Anh, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các DN, Bộ LĐ-TB&XH và ngành BHXH Việt Nam đã chủ động giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra. Tuy vậy, qua thực hiện 8.619 cuộc thanh tra, kiểm tra (giảm 54% so với cùng kỳ năm 2019) phát hiện nhiều sai phạm trong thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BH thất nghiệp. Cụ thể, riêng thanh tra ngành BHXH Việt Nam phát hiện 11.185 NLĐ thuộc đối tượng nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng 80 tỷ đồng; 24.086 NLĐ đóng thiếu mức quy định với số tiền 68 tỷ đồng; số tiền các đơn vị SDLĐ được thanh tra nợ trước khi có quyết định là 1.971 tỷ đồng và sau thanh tra đã nộp 1.443 tỷ đồng.

Quốc hội nghe các Báo cáo về quản lý và sử dụng quỹ BHXH

“Trong năm 2020, các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã chấp hành truy đóng trên 145,5 tỷ đồng (đạt 98%) cho những NLĐ chưa tham gia, đóng thiếu thời gian, đóng thiếu mức. Sau kết luận thanh kiểm tra, các đơn vị đã khắc phục được 830 tỷ đồng (tương đương 61%). Đáng chú ý, giai đoạn 2016-2020, cơ quan BHXH đã ban hành 2.103 quyết định xử lý vi phạm hành chính về BHXH với số tiền xử phạt 114,5 tỷ đồng”- bà Thúy Anh phân tích.

Bà Nguyễn Thúy Anh cũng nhấn mạnh, Ủy ban Xã hội đánh giá cao BHXH Việt Nam đã nỗ lực thu hồi nợ; song cũng đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần lưu ý nhóm chậm đóng từ 3 năm trở lên đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nợ, với số nợ và nợ lãi chậm đóng chiếm gần 60% tổng số nợ BHXH trong toàn quốc. Mặt khác, dù đã thống kê, phát hiện các trường hợp trốn đóng, chậm đóng, nhưng chưa có chế tài, công cụ xử lý hữu hiệu, nhất là đối với các đơn vị nợ BHXH đã ngừng hoạt động, đang trong quá trình giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn.

Về thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần, Ủy ban Xã hội thấy rằng, tỷ lệ người hưởng so với tổng số người tham gia BHXH những năm qua luôn ở mức 5%, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác phát triển đối tượng. Đặc biệt, số người hưởng BHXH một lần tăng do tác động của dịch bệnh Covid-19 là chưa thỏa đáng, mà dịch bệnh chỉ là nhân tố xúc tác của tình trạng này. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính của tình trạng này là do quy định điều kiện hưởng BHXH một lần còn tương đối dễ dàng, mức hưởng cao; thủ tục hưởng hiện nay được đơn giản hóa, thuận tiện nhiều hơn so với trước đây; phụ nữ khi nghỉ việc để sinh con và chăm sóc con nhỏ thì thường kéo theo việc nghỉ hưởng BHXH một lần.

Vì vậy, Ủy ban Xã hội cũng kiến nghị Quốc hội và các Đoàn ĐBQH tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật BHXH tại Trung ương và địa phương, đặc biệt là về phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; vấn đề quản lý và sử dụng quỹ BHXH. Đồng thời, Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo định hướng cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về mở rộng đối tượng tham gia, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân; hoàn thiện các quy định về đóng-hưởng BHXH; nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ; chặt chẽ hơn trong quy định hưởng BHXH một lần; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH; sửa đổi quy định tại Khoản 2, Điều 92 Luật BHXH về các hình thức đầu tư để phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng...

Tạp chí BHXH