Gần 1.950 tỷ đồng chi trả chế độ ốm đau do mắc Covid-19 cho người lao động

03/05/2022 01:45 PM


Đến cuối tháng 4/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chi trả cho hơn 1,45 triệu người hưởng chế độ ốm đau do mắc Covid-19. Kinh phí hưởng chế độ này của người lao động là hơn 1.945 tỷ đồng.

 

Công nhân ở khu công nghiệp Hòa Khánh, thành phố Ðà Nẵng, làm thủ tục xin giấy xác nhận F0. (Ảnh: HUY ÐẠT)

Mức hưởng bình quân chế độ ốm đau do mắc Covid-19 là hơn 1,5 triệu đồng/người

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đến cuối tháng 4/2022, toàn ngành đã chi trả hơn 1,45 triệu người hưởng chế độ ốm đau do mắc Covid-19 với số tiền hơn 1.945 tỷ đồng. Còn tính từ năm 2021 đến nay, cơ quan này đã chi trả chế độ ốm đau do mắc Covid-19 tới hơn 1,5 triệu người.

Riêng trong quý I/2022, ngành bảo hiểm xã hội đã giải quyết 648.012 lượt người hưởng chế độ ốm đau do bị mắc Covid-19, với số tiền hơn 987 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng số tiền chi trả đối với chế độ ốm đau.

Chỉ trong quý I năm nay, số lượt người hưởng chế độ này tăng 124% và số tiền chi tăng gần 300% so với cùng kỳ năm 2021. Mức hưởng bình quân một người bị ốm đau do mắc Covid-19 là hơn 1,5 triệu đồng. Thời gian hưởng bình quân là 8,5 ngày.

Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tiếp nhận các hồ sơ giấy tờ để giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người mắc Covid-19 theo đúng quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế.

Về giải quyết vướng mắc trong hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc Covid-19 điều trị tại nhà, trước đó, ngày 2/3/2022, Bộ Y tế đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ số 279/TTr-BYT về việc giải quyết cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc Covid-19 và đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn số 719/BHXH/CSXH ngày 23/3/2022, chỉ đạo Giám đốc bảo hiểm xã hội các địa phương bố trí nhân lực, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về nguồn kinh phí, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận giải quyết kịp thời, chính xác, đầy đủ quyền lợi đối với người lao động bị mắc Covid-19 có đủ hồ sơ theo quy định tại  khoản 1, 2 Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế.

Cần sớm có quy định mới về hồ sơ giải quyết hưởng chế độ ốm đau với F0

7 loại giấy tờ Bộ Y tế đề xuất công nhận gồm:
- Quyết định cách ly tại nhà do chính quyền địa phương cấp.
- Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly do chính quyền địa phương cấp.
- Giấy xét nghiệm (test nhanh hoặc PCR) có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 do các cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.
- Giấy xác nhận bị mắc Covid-19 của trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động, y tế cơ quan/doanh nghiệp và tương đương cấp.
- Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do trạm y tế xã, trạm y tế lưu động cấp nhưng cấp lùi lại thời gian trước đó người lao động đã nghỉ việc để điều trị Covid-19 tại nhà.
- Quyết định phê duyệt danh sách hoàn thành cách ly y tế tập trung.
- Phiếu xác nhận đã điều trị Covid-19 của các bệnh viện dã chiến.

Trong văn bản báo cáo Chính phủ mới nhất vào tháng 4 vừa rồi, Bộ Y tế cho biết, cơ quan này đã lấy ý kiến của các bộ, ngành về thẩm quyền công nhận 7 loại giấy tờ để làm cơ sở cho người lao động mắc Covid-19 được hưởng bảo hiểm xã hội theo chế độ ốm đau.

Tổng hợp các ý kiến cho thấy, vấn đề này không thuộc thẩm quyền của Chính phủ cũng như Bộ Y tế. Trong đó, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp cho rằng quy định này thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Để có căn cứ giải quyết chế độ cho người tham gia bảo hiểm xã hội, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết công nhận 7 giấy tờ trên có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc do ốm đau với người lao động bị mắc Covid-19.

Trong thời gian tới, khi cấp có thẩm quyền ban hành quy định mới về hồ sơ làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động mắc Covid-19, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tổ chức ngay việc tiếp nhận và giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động theo quy định mới này.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị, người lao động nên nhận chế độ bảo hiểm xã hội trực tiếp qua tài khoản cá nhân của họ. Điều này sẽ giúp giải quyết và thụ hưởng chính sách của người lao động được nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch.

Quy định về chế độ ốm đau với người lao động

* Về điều kiện hưởng:

Theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động bị ốm đau hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền sẽ được hưởng chế độ ốm đau.

Chế độ này hiện được áp dụng để chi trả cho người lao động bị mắc Covid-19 và nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị mắc Covid-19.

Về hồ sơ hưởng: Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Bộ trưởng Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện và các giấy tờ khác làm căn cứ hưởng bảo hiểm xã hội.

Hồ sơ đề nghị hưởng (đối với người lao động là F0 hoặc chăm con dưới 7 tuổi là F0) gồm giấy tờ sau:

+ Đối với người lao động là F0 điều trị nội trú: Giấy ra viện.

+ Đối với người lao động là F0 điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội hoặc Giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

- Về thời gian hưởng: Tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định, mỗi lần khám, người bệnh được cấp một Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội tối đa là 30 ngày. Trường hợp F0 cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người F0 phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

- Về mức hưởng: Tại khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

* Quy trình giải quyết hồ sơ: 

Trước hết, để hưởng chế độ ốm đau sau khi điều trị khỏi Covid-19, người lao động cần nộp lại cho đơn vị sử dụng lao động bản sao Giấy ra viện (đối với trường hợp điều trị nội trú); Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội hoặc Giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị (đối với trường hợp điều trị ngoại trú) trong vòng 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc để đơn vị hoàn thiện hồ sơ và gửi cơ quan bảo hiểm xã hội.

Tiếp đó, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết chế độ cho người lao động trong tối đa 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Báo Nhân dân