“Đi trước, đón đầu” để chuyển đổi số thành công

26/01/2023 01:45 PM


Với mục tiêu phục vụ tốt nhất quyền lợi của DN, người dân và các chủ thể tham gia BHXH, BHYT, các nền tảng để phục vụ cho chuyển đổi số đã được ngành BHXH Việt Nam “đi trước, đón đầu”.

Sẵn sàng các nền tảng

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, với việc xây dựng, hoàn thiện kho CSDL hơn 98 triệu dân- nền tảng CSDL quốc gia về bảo hiểm, BHXH Việt Nam đã kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư ngay từ khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức. Thống kê cho thấy, kết thúc năm 2022, hệ thống đã xác thực trên 71,2 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ gần 62,3 triệu lượt thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ CCCD gắn chip, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia thay thế thẻ BHYT giấy trong KCB BHYT, giúp người tham gia giảm thời gian, thủ tục khi đi KCB; triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên CCCD gắn chip trong KCB BHYT và trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận “Một cửa” của cơ quan BHXH, giúp người tham gia và hưởng các chế độ thực hiện các TTHC được nhanh chóng và thuận tiện. Kết quả, cả nước đã có trên 12 nghìn cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chip trong KCB BHYT (chiếm 93,8% tổng số cơ sở KCB BHYT).

Chia sẻ mức độ sẵn sàng của BHXH các địa phương với mục tiêu chung này, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân- Giám đốc BHXH tỉnh Hậu Giang cho biết: “Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực của Ngành giúp gia tăng trách nhiệm, tinh thần phục vụ của mỗi cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ”.  Năm 2022, địa phương này có trên 85% người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn đã xác thực đúng với CSDL quốc gia về dân cư; 100% cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện KCB BHYT bằng CCCD gắn chip.

Ông Trần Mạnh Toàn- Giám đốc BHXH tỉnh Hà Nam cũng cho biết, xác định công tác chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, BHXH tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả quy trình, nghiệp vụ của Ngành; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ và hướng dẫn người dân, DN sử dụng các DVC trực tuyến của Ngành BHXH và Cổng DVC quốc gia. Song song với đó, hạ tầng trang thiết bị CNTT được BHXH tỉnh Hà Nam chú trọng đầu tư tương đối đầy đủ, đảm bảo cung cấp đầy đủ các DVC trực tuyến thiết yếu. CSDL BHXH, BHYT đang dần được hoàn thiện, đảm bảo mỗi người tham gia BHXH, BHYT có duy nhất 1 mã số BHXH.

“Tất cả hoạt động nghiệp vụ của Ngành đều được ứng dụng CNTT, mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian xử lý, tác nghiệp, góp phần giải quyết hồ sơ trước hạn cho người tham gia và thụ hưởng. Đồng thời, giúp quản lý, nắm bắt kịp thời, chính xác số liệu của lĩnh vực nghiệp vụ. Từ đó, hoạch định, định hướng kế hoạch sát hơn, thực hiện hiệu quả hơn các chỉ tiêu, mục tiêu nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và BHXH Việt Nam giao”- ông Toàn cho biết thêm.

Theo BHXH Việt Nam, hiện Ngành đang tiếp tục đẩy mạnh kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành để "làm giàu" thêm các CSDL của Ngành, CSDL quốc gia về bảo hiểm, phục vụ giải quyết quyền lợi của người dân, DN (kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu khai sinh, khai tử, hưởng chế độ tử tuất, mai táng phí với Bộ Tư pháp; bổ sung, điều chỉnh, chuẩn hóa dữ liệu trao đổi, chia sẻ với Tổng cục Thuế; hoàn thiện kết nối kỹ thuật, xây dựng quy chế kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL của Bộ TN-MT; kết nối, đồng bộ, bổ sung thêm 5 trường thông tin từ CSDL quốc gia về bảo hiểm vào CSDL quốc gia về dân cư; duy trì việc kết nối, cung cấp số liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…).

Bên cạnh đó, cùng với triển khai xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành BHXH Việt Nam phiên bản 2.0, Ngành cũng thường xuyên hoàn thiện, nâng cấp, cập nhật, điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ để đáp ứng việc thay đổi, điều chỉnh chế độ, chính sách của Nhà nước và yêu cầu quản lý. Quản lý, duy trì hoạt động thường xuyên của Trung tâm Dữ liệu Ngành, Trung tâm Dự phòng và phục hồi thảm họa, Trung tâm Điều hành hệ thống thông tin, Hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành BHXH; Hệ thống thu nộp, chi trả BHXH điện tử; Hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và DN với cơ quan BHXH… để phục vụ hiệu quả các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của Ngành.

Đặc biệt, một trong những thành công mang dấu ấn của ngành BHXH Việt Nam là ứng dụng VssID đã và đang được triển khai rộng rãi, liên tục cập nhật các tính năng mới. Tính đến ngày 31/12/2022, toàn quốc có trên 28 triệu tài khoản được phê duyệt và kích hoạt sử dụng, trong đó có 1 triệu người với 1,8 triệu lượt sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Công an triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chip và trên dữ liệu của CSDL quốc gia về dân cư để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ (BHXH Việt Nam đã nâng cấp, điều chỉnh Cổng Tiếp nhận thuộc Hệ thống thông tin giám định BHYT và phần mềm Tiếp nhận và quản lý hồ sơ để tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc; đã triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc trong KCB BHYT tại Quảng Bình và Hà Nội).

Hiện nay, 100% DVC của Ngành được thực hiện ở mức độ 4; người dân, DN có thể tương tác, giao dịch với cơ quan BHXH 24/7. Đến hết tháng 12/2022, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng DVC quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BH thất nghiệp cho gần 50 nghìn trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ; hơn 50 nghìn lượt giao dịch gia hạn BHYT theo hộ gia đình thành công...

Người dân, DN là chủ thể, trung tâm phục vụ

Thống nhất quan điểm chỉ đạo xuyên suốt “lấy người dân, DN làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, một trong nhiệm vụ trọng tâm của ngành BHXH Việt Nam năm 2023 là đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy tối đa nền tảng, nguồn lực về cán bộ, cơ sở vật chất, CNTT trong các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của ngành BHXH Việt Nam để phục vụ DN, người dân. Một trong những chỉ tiêu cụ thể là "Đẩy mạnh giao dịch điện tử, 100% DVC của Ngành được thực hiện ở mức độ 4".

Để thực hiện các mục tiêu này, theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam, trong năm 2023, toàn Ngành cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các TTHC theo hướng đảm bảo đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho DN, người dân; tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hình thức cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4 của Ngành; đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, đảm bảo tốt nhất quyền lợi và tăng mức độ hài lòng của các chủ thể tham gia BHXH, BHYT.

Đặc biệt, ngành BHXH Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống CSDL chuyên ngành về BHXH, BHYT, đặc biệt là CSDL quốc gia về bảo hiểm (BHXH Việt Nam được giao là đơn vị chủ trì xây dựng); tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các bộ, ngành; hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới trên ứng dụng VssID; nghiên cứu, triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số cho Ngành, nhất là việc xây dựng hệ thống phân tích xử lý dữ liệu lớn (Big Data), áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hoạt động của Ngành nhằm phục vụ tốt nhất quyền lợi của đơn vị, DN và người dân.

Bên cạnh đó, xác định yếu tố con người mang tính quyết định cho sự thành công của chuyển đổi số, toàn Ngành sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu. Tiếp tục duy trì, mở rộng các hoạt động hợp tác song phương và đa phương nhằm huy động, khai thác tối đa các nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế phục vụ cho sự phát triển ngành BHXH Việt Nam...

Tạp chí BHXH