Nêu cao trách nhiệm tuyên truyền BHYT học sinh, sinh viên

07/09/2020 09:40 AM


Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên là một trong những mục tiêu giáo dục, đào tạo toàn diện con người của Đảng và Nhà nước ta. Chính sách BHYT đối với học sinh, sinh viên đã chứng minh tính ưu việt vượt trội trong những năm qua. Bên thềm năm học mới, Thứ trưởng Bộ Giáo đục - Đào tạo Nguyễn Hữu Độ dành cho phóng viên Tạp chí BHXH cuộc trao đổi.

(Ảnh minh họa)

Thưa ông, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT tăng nhanh qua mỗi năm, là một trong những nhóm có đối tượng tham gia BHYT cao. Ông đánh giá như thế nào về sự phối hợp của ngành Giáo dục và BHXH Việt Nam trong công tác chỉ đạo, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên tham gia BHYT?

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Việc chăm sóc sức khỏe cho các em học sinh, sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Bộ GDĐT xác định công tác BHYT học sinh, sinh viên có vai trò quan trọng, góp phần phát triển một nền giáo dục toàn diện. Vì vậy, từ định hướng chỉ đạo đến các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo thường xuyên, kế hoạch liên ngành, đã được Bộ GDĐT phối hợp Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan ban hành đầy đủ, kịp thời, thể hiện sự nhất quán chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên.

Với sự chỉ đạo từ Bộ GDĐT và BHXH Việt Nam, công tác tuyên truyền BHYT học sinh, sinh viên được các cơ sở giáo dục quan tâm và triển khai hiệu quả. Hằng năm, Bộ GDĐT phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục về công tác BHYT học sinh, sinh viên, đối thoại về chính sách BHYT học sinh sinh viên. Qua đó đã kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai BHYT học sinh, sinh viên trên địa bàn.

Công tác tuyên truyền các nội dung trong Luật BHYT và các chính sách của BHYT học sinh, sinh viên được ngành Giáo dục tập trung chỉ đạo từ trung ương đến địa phương, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bậc phụ huynh, học sinh, sinh viên. Việc tổ chức tuyên truyền đã được các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, thông qua các buổi họp phụ huynh, các cuộc tọa đàm, sinh hoạt ngoại khóa để phổ biến mức đóng, mức được hỗ trợ, trách nhiệm và phương thức tham gia BHYT.

Công tác tuyên truyền đã nhấn mạnh tính ưu việt của việc tham gia BHYT đối với học sinh, sinh viên. Theo đó, ngoài việc được Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám, chữa bệnh khi khám, điều trị bệnh tại cơ sở y tế như các nhóm đối tượng khác, học sinh, sinh viên tham gia BHYT còn được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường từ nguồn kinh phí do Quỹ BHYT trích lại dành cho y tế trường học.

Bên cạnh đó, những quy định như: người có thẻ BHYT được đi khám, chữa bệnh tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện và tương đương mà không phải theo nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu; tới đây từ 01/01/2021 là thông tuyến đến các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và tương đương… đã tạo ra những thuận lợi cơ bản cho người tham gia BHYT nói chung và học sinh, sinh viên tham gia BHYT nói riêng.

Với sự hỗ trợ từ Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, sự nỗ lực trong công tác truyền thông vận động của ngành Giáo dục, BHXH và hệ thống các cơ sở giáo dục, số lượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT từng năm đã có sự gia tăng. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, năm học 2019-2020, cả nước đã có 13,3 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 95%.

Việc triển khai BHYT học sinh, sinh viên tuy đã đạt kết quả tích cực nhưng với quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc toàn dân thì vẫn còn một số vấn đề cần suy ngẫm như: 5% học sinh, sinh viên chưa được chăm sóc sức khỏe do chưa tham gia BHYT; ý thức chấp hành pháp luật BHYT của một bộ phận học sinh, sinh viên chưa cao. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Với tỷ lệ 95% học sinh, sinh viên tham gia BHYT, có thể nói chúng ta đạt được con số cơ bản.

Tuy nhiên, vẫn còn 5% học sinh, sinh viên chưa đóng BHYT.Trong số này, chủ yếu là sinh viên.

Nguyên nhân của việc một số sinh viên chưa tham gia BHYT là do mức đóng BHYT học sinh, sinh viên tăng hằng năm theomức lương cơ sở. Trong khi sinh viên là đối tượng không có thunhập, nên các em ở gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, nhà đông con đi học sẽ gặp những trở ngại trong việc đóng BHYT. Sinh viên thường sống xa gia đình, mối liên hệ giữa trường đại học và gia đình lại không thường xuyên, chặt chẽ, nên công tác tuyên truyền để phụ huynh hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ tham gia BHYT đối với học sinh, sinh viên, cũng như việc vận động phụ huynh đóng BHYT cho con em còn một số hạn chế.

Một bộ phận sinh viên vì cho rằng ở độ tuổi của mình ít xảy ra bệnh tật. Trong khi đó, thủ tục khám, chữa bệnh sử dụng BHYT có lúc, có nơi còn có những bất cập; chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT đôi lúc chưa đáp ứng yêu cầu của người tham gia BHYT, nên các em chần chừ, chưa đóng BHYT.

Mặc dù, theo quy chế về công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học chính quy đã quy định rõ trách nhiệm tham gia BHYT của sinh viên và các hình thức xử lý đối với trường hợp không tham gia đúng quy định, nhưng vẫn còn một số ít các em chưa nắm được quy định bắt buộc đóng BHYT của mỗi công dân.

Ngoài ra, còn nguyên nhân khiến một bộ phận học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT là do hệ thống y tế học đường ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay cả nước có 40.493 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, nhưng có đến 25,1% cơ sở giáo dục chưa có nhân viên y tế trường học; 70% cơ sở giáo dục trong nhóm đã có cán bộ y tế trường học nhưng trình độ chuyên môn lại chưa bảo đảm quy định là có trình độ từ Trung cấp Y trở lên.

Do hầu hết nhân viên y tế trường học không có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP, nên từ đầu năm 2019 đến nay, rất nhiều trường học không được hưởng nguồn kinh phí trích lại từ Quỹ BHYT cho y tế học đường. Điều này khiến quyền được chăm sóc sức khỏe ban đầu trong các nhà trường của học sinh, sinh viên chưa được đảm bảo. Đối với riêng khoảng trống này, ngành Giáo dục phối hợp với ngành Y tế và cơ quan BHXH đã có đề xuất với cấp thẩm quyền để hướng dẫn cơ sở giáo dục được ký hợp đồng với trung tâm y tế, các trạm y tế. Mục tiêu là để học sinh, sinh viên được thụ hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe tại nhà trường tốt nhất.

Trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về BHYT, Bộ GDĐT đã chỉ đạo thường xuyên ngành giáo dục các địa phương, cơ sở giáo dục đại học, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này. Theo đó, cần xác định rõ vai trò trách nhiệm của Ban Giám hiệu, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, nhân viên y tế trường học việc tổ chức thực hiện công tác y tế học đường đối với học sinh sinh viên, đảm bảo hiệu quả, chất lượng.

Hiện nay các trường phổ thông và đại học đang tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, nhắc nhở học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Bộ GDĐT sẽ theo dõi sát sao và có những chỉ đạo kịp thời, nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên thực hiện Luật BHYT một cách tự nguyện, tự giác, trong khuôn khổ bắt buộc của pháp luật.

Để đạt được mục tiêu bao phủ 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT, từ đó tạo điều kiện để chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn cho thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, vì một nền giáo dục toàn diện, trong năm học mới này, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT là mục tiêu xuyên suốt những năm qua của ngành Giáo dục và BHXH Việt Nam. Nhiều biện pháp đã được thực hiện để hiện thực hóa mục tiêu này, như: vận động học sinh, sinh viên tích cực tham gia BHYT vì quyền lợi của các em; hướng dẫn thủ tục thu đóng phí; hướng dẫn đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu; hướng dẫn đi khám, chữa bệnh và sử dụng thẻ BHYT đúng quy định…

Năm học mới 2020- 2021 với quyết tâm đạt tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐT, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm thực hiện 6 nội dung sau:

Thứ nhất, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tích cực triển khai công tác BHYT học sinh, sinh viên; đưa kết quả thực hiện BHYT học sinh, sinh viên vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua của các Sở GDĐT.

Thứ hai, tích cực tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức tới học sinh, sinh viên và cha mẹ các em về quyền lợi, trách nhiệm, vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách, pháp luật về BHYT đối với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác BHYT học sinh, sinh viên tại các nhà trường; có hình thức xử lý kịp thời đối với trường hợp không tuân thủ quy định về BHYT.

Thứ tư, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai công tác BHYT cho học sinh, sinh viên tiếp tục kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động y tế trường học, gắn với y tế cơ sở.

Thứ năm, hướng dẫn quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích lại của quỹ BHYT cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở giáo dục, đào tạo theo đúng quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP (ngày 17/10/2018), quy định chi tiết và hướng dẫn các biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.

Thứ sáu, tham mưu UBND các cấp về mức hỗ trợ BHYT đối với học sinh, sinh viên từ ngân sách của địa phương, trên cơ sở mức hỗ trợ tối thiểu theo quy định hiện hành; chú trọng vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới và hải đảo.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Tạp chí Bảo hiểm xã hội