Phải quan tâm đến BHXH, BHYT và đảm bảo việc làm bền vững cho NLĐ
10/11/2020 09:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 10/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn các thành viên Chính phủ về các nội dung liên quan lĩnh vực tư pháp, hạ tầng, tiền lương, đào tạo nghề…
Trả lời chất vấn của ĐB Mai Hồng Hải (Hải Phòng) về tình trạng lao động qua đào tạo đạt tỷ lệ 64,5%, trường nghề thì không tuyển sinh được, sinh viên ra trường khó tìm việc làm, DN khó tuyển dụng lao động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: "Phải nói rằng, trong những năm qua, việc bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực được Đảng, Nhà nước và các địa phương, các ngành quan tâm. Tuy nhiên, bức tranh tình trạng lực lượng qua đào tạo trên 60%, tuy nhiên số có chứng chỉ còn thấp như ĐB nêu hoàn toàn đúng".
Để khắc phục tình trạng này, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, xu hướng các nước phát triển tập trung đều tập trung vào 3 việc: Bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng cho NLĐ; tạo việc làm thỏa đáng; quan tâm an sinh bền vững, trong đó có 2 trụ cột là BHXH và BHYT. "Đối với Việt Nam, thời gian qua, chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 24 tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, tranh thủ thời gian dân số vàng đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao, nhằm nâng cao tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới"- Bộ trưởng Dung chia sẻ.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần kiên trì tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội đi theo hướng phát triển lực lượng lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, đề xuất đưa chỉ tiêu lực lượng lao động qua đào tạo nhưng có chứng chỉ trở thành tiêu chí bắt buộc trong cả nhiệm kỳ 5 năm 2021-2026 và trong từng năm, phấn đấu mỗi năm làm sao tăng bình quân 4%, như vậy mới phù hợp với thông lệ quốc tế và mặt bằng chung của các nước phát triển...
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách phát triển kỹ năng lao động có tay nghề, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo NLĐ có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ. Tăng cường làm tốt công tác dự báo cung-cầu và đào tạo theo nhu cầu; chỉ đạo sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống đào tạo nghề nghiệp. Tăng cường kết nối chặt chẽ giữa "3 nhà" (nhà nước- nhà trường- DN) trong đào tạo nghề nghiệp; khuyến khích DN công nhận, tuyển dụng, sử dụng trả tiền công, tiền lương cho NLĐ dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề, tiến tới tuyển dụng và sử dụng những lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ...
Về chất vấn của ĐB Trần Kim Yến (TP.HCM) liên quan đến nội dung có tiếp tục làm luật về tiền lương tối thiểu hay không, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động, Bộ LĐ-TB&XH cũng nhận được khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Quá trình xây dựng Bộ luật Lao động cũng như thực thi chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, Bộ LĐ-TB&XH thấy, Nghị quyết 27 đã nói rất rõ về vấn đề “tiền lương” và Bộ đã cụ thể hóa vấn đề trong Chương Tiền lương tối thiểu vùng trong Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019; đã quy định rất rõ tiền lương tối thiểu vùng cho cả 4 vùng.
“Trên cơ sở đảm bảo thỏa thuận giữa NLĐ, quản lý nhà nước và người SDLĐ, chúng tôi cho rằng, nội dung tiền lương tối thiểu đã được cụ thể hóa bằng pháp luật. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ tiếp tục thể chế hóa trong chính sách thực hiện Đề án cải cách tiền lương trong thời gian tới”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Trước đó, trả lời câu của ĐB Nguyễn Thị Quyết tâm (TP.HCM) về lương hưu cho những người nghỉ hưu trước năm 1993, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, vấn đề này đã được nhiều ĐBQH, nhân dân nêu lên và đã nhiều lần trao đổi. Tháng 2/2020 có sự thay đổi phân công trong Thường trực Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia vào Ban Chỉ đạo và được Thủ tướng giao nhiệm vụ làm Phó Trưởng ban Thường trực giúp Thủ tướng. Tại phiên họp sau đó một tháng, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi NCC đã đưa ra nhiều nội dung, trong đó có nội dung về lương hưu cho những người nghỉ hưu trước năm 1993.
“Cả nước có khoảng 600.000 người nghỉ hưu trước năm 1993 và còn 400.000 người nghỉ hưu ở những thời điểm khác nhau nhưng lương rất thấp, dưới 3 triệu đồng/tháng. Trong đó có những trường hợp như công nhân cao su chỉ 1 triệu đồng/tháng. Bộ LĐ-TB&XH đã tính toán phương án làm sao để có khoản bù thêm, theo quy định do NSNN đảm bảo chứ không phải do BHXH và đã tính ra trong 400.000 đối tượng với mức bù khoảng 500.000 đồng/người/tháng thì mất khoảng 2.400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc này phải tính đồng bộ”- Phó Thủ tướng khẳng định.
Sau đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nguồn thu, cho nên các cơ quan có thẩm quyền đã quyết định lùi thời điểm thực hiện chính sách cải cách lương đi kèm với nó là BHXH, chính sách NCC; và kể cả áp dụng tiêu chuẩn nghèo mới đa chiều thay vì đầu năm 2021 sang 1/7/2022. Riêng đối với những người nghỉ hưu trước năm 1993 có thu nhập thấp, Bộ LĐ-TB&XH sẽ báo cáo với Thủ tướng về vấn đề này.
Tạp chí Bảo hiểm xã hội
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số