Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến

11/12/2020 10:15 PM


Việc đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVC) mức độ 4 ngành bảo hiểm và các dịch vụ công trên cơ sở kết nối chia sẻ dữ liệu giữa bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam với các ngành liên quan đã tạo ra những “chỉ số” quan trọng, phản ánh thực chất nhất công tác cải cách hành chính (TTHC), gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu là sự hài lòng của cá nhân, tổ chức.

Nâng cao hiệu quả quản lý

Đề án “Đẩy mạnh thực hiện DVC trực tuyến mức độ 4 ngành bảo hiểm và các dịch vụ công trên cơ sở kết nối chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam với các ngành liên quan” đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định 1939/QĐ-TTg phê duyệt ngày 31/12/2019, với mục tiêu chung là xây dựng và triển khai các giải pháp đẩy mạnh thực hiện DVC trực tuyến mức độ 4. Hoàn thiện, mở rộng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm, bảo đảm dữ liệu được thu thập, xác minh và quản trị một cách đầy đủ, chính xác để kết nối, chia sẻ dữ liệu với các CSDL chuyên ngành, CSDL quốc gia có liên quan. BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 400/KH-BHXH nhằm mục đích triển khai thực hiện kịp thời, toàn diện và có hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong Quyết định số 1939/QĐ-TTg, đảm bảo thực hiện đúng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong việc đẩy mạnh thực hiện DVC trực tuyến mức độ 4 ngành bảo hiểm và các DVC.

Ông Nguyễn Hoàng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) cho biết, mỗi năm ngành BHXH có khoảng 50 triệu lượt hồ sơ liên quan đến BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được doanh nghiệp gửi lên Cổng DVC của BHXH, nên việc kết nối, liên thông trên Cổng DVC Quốc gia đem lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp. BHXH Việt Nam đã dùng Cổng DVC Quốc gia để triển khai nhiều DVC như: Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19; đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN; giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe...

Cổng DVC Quốc gia chính là thực hiện một kết nối với nhiều tiện ích. Chỉ với một tài khoản đăng nhập trên Cổng DVC Quốc gia, DN có thể thực hiện rất nhiều DVC của BHXH Việt Nam cũng như các bộ, ngành, địa phương; tra cứu thông tin về TTHC và các thông tin liên quan khác. Đồng thời, gửi phản ánh kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện TTHC của các bộ, ngành, địa phương. "Nhờ Cổng DVC Quốc gia, chất lượng dịch vụ đối với DN đã được nâng cao và thông qua những phản ánh, kiến nghị trên Cổng DVC Quốc gia BHXH đã có chỉ đạo kịp thời để địa phương thực hiện" - Ông Nguyễn Hoàng Phương nhấn mạnh.

 

 

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến

Tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Theo lộ trình, BHXH Việt Nam sẽ tiến tới cung cấp tất cả các DVC hiện có lên Cổng DVC Quốc gia, triển khai kết nối liên thông bảo đảm tất cả các DN đều có thể sử dụng DVC ngành BHXH Việt Nam trên Cổng DVC Quốc gia. Đồng thời, triển khai các DVC liên quan có sử dụng thanh toán điện tử trên Cổng DVC Quốc gia như gia hạn thẻ BHYT, đóng BHXH tự nguyện, đóng BHXH bắt buộc…

Cùng với đó, BHXH Việt Nam xác định, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT và kết nối, khai thác các CSDL của các bộ, ngành; đẩy mạnh thanh toán điện tử và đảm bảo các điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm, như nghiên cứu rà soát, đơn giản hóa các hồ sơ, quy trình, TTHC gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng CNTT và kết nối, khai thác CSDL của các bộ, ngành.

Thực hiện rà soát, đơn giản hóa hồ sơ, quy trình, TTHC thuộc các lĩnh vực BHXH, BHYT, thu, sổ thẻ, chi trả các chế độ BHXH. Xác định tổng số dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành tương ứng với số TTHC do ngành BHXH công bố; rà soát cơ sở pháp lý thực hiện phương thức thanh toán điện tử và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản điều chỉnh phù hợp. Trên cơ sở số dịch vụ công của Ngành, tiến hành xác định tổng số dịch vụ công trực tuyến và mức độ của từng dịch vụ công để xây dựng lộ trình thực hiện dịch vụ công mức độ 4 triển khai trong năm 2020 và 2021. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh việc tuyên truyền các giải pháp vận động, khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong các năm tiếp theo, ngành BHXH sẽ triển khai các giải pháp bảo đảm điều kiện về cơ sở hạ tầng CNTT; thực hiện giao dịch điện tử đối với cá nhân, tổ chức trên các lĩnh vực BHXH, BHYT; triển khai các dịch vụ công trực tuyến theo từng TTHC; từng bước thực hiện thanh toán điện tử bắt buộc; hoàn thiện hệ thống thu nộp, chi trả BHXH điện tử… Bên cạnh đó, ngành BHXH sẽ phối hợp với các Bộ, Ban, ngành trong việc hoàn thiện các quy định liên quan đến CSDL quốc gia về bảo hiểm; phối hợp xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cấu trúc dữ liệu phục vụ kết nối, chia sẻ thông tin của CSDL quốc gia về bảo hiểm với các CSDL quốc gia và các CSDL chuyên ngành.

Tính đến nay, BHXH Việt Nam đã triển khai 18 dịch công trực tuyến mức độ 3, 4 và đã có 445.330 đơn vị đăng ký tham gia giao dịch điện tử. BHXH Việt Nam cũng đã kết nối với 12.693 cơ sở KCB BHYT, mỗi năm tiếp nhận hơn 160 triệu hồ sơ giao dịch điện tử đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh.

Báo Công thương