Thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg: Thách thức về bao phủ BHYT

24/06/2021 11:05 AM


Theo BHXH một số tỉnh, Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 vừa được ban hành, đã tác động lớn tới thực hiện chính sách BHYT cho người dân đang sinh sống trên các địa bàn này.

Nhiều bất cập cần giải quyết

Ngay sau khi Quyết định 861/QĐ-TTg được ban hành, BHXH một số tỉnh đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về một số bất cập trong thực hiện quyền lợi BHYT cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tại Lào Cai, căn cứ danh sách phê duyệt các xã thuộc vùng I, II, III theo Quyết định 582/QĐ-TTg đối chiếu với danh sách phê duyệt theo Quyết định 861/QĐ-TTg, thì toàn tỉnh có 138 xã, trong đó có 65 xã chịu tác động trực tiếp của điều chỉnh chính sách đối với vùng II, III.

 

Việc mở rộng bao phủ BHYT ở nhiều địa phương miền núi gặp khó khăn (Ảnh minh họa)

Theo ông Đường Minh Tấn- Giám đốc BHXH tỉnh Lào Cai, hiện nay, Sở Tài chính đã chuyển kinh phí mua thẻ BHYT của các đối tượng thuộc NSNN đóng, hỗ trợ đóng đến hết tháng 5/2021. Theo Quyết định 861/QĐ-TTg, thì hiệu lực thực hiện từ ngày 4/6/2021, nhưng đến thời điểm hiện tại, BHXH tỉnh Lào Cai chưa nhận được sự chỉ đạo về việc xử lý hạn thẻ của các đối tượng chịu ảnh hưởng điều chỉnh của Quyết định 861/QĐ-TTg.

Trong khi đó, theo Luật BHYT, các đối tượng này thuộc đối tượng thu BHYT theo tháng và hạn sử dụng thẻ có giá trị trong tháng phát sinh. Chính vì vậy, toàn bộ đối tượng vẫn đang có hạn thẻ và hưởng quyền lợi KCB bình thường do quỹ KCB BHYT chi trả. Số liệu rà soát cho thấy, 168.450 đối tượng đang được cấp thẻ BHYT thuộc các xã không còn thuộc vùng II, III với số tiền tính phải đóng trên số thẻ BHYT thuộc phạm vi điều chỉnh giảm 11.294.572.500 đồng/tháng. “65 xã này có nhiều đối tượng đang được điều trị tại các cơ sở KCB theo quyền lợi BHYT chi trả, nên việc cắt giảm thẻ BHYT gây khó khăn cho việc thanh quyết toán kinh phí KCB và quyền lợi BHYT của đối tượng khi đang điều trị, KCB bằng thẻ BHYT”- ông Tấn cho biết.

Ông Trần Minh Tuấn- Giám đốc BHXH tỉnh Điện Biên cũng cho rằng, Quyết định 861/QĐ-TTg dẫn đến những bất cập trong thực hiện quyền lợi về BHYT. Cụ thể, tại Điện Biên sẽ có 42.512 người dân (40.716 người DTTS và 1.796 người Kinh) phải cắt giảm thẻ BHYT do không còn thuộc diện được NSNN hỗ trợ mua thẻ BHYT theo quy định.

Theo ông Tuấn, thẻ BHYT của người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện đã được cấp kinh phí và gia hạn giá trị sử dụng đến ngày 30/6/2021. Vì vậy, trong những ngày từ 1/6/2021 đến nay đã có nhiều người dân đi KCB BHYT và tại thời điểm hiện tại cũng có nhiều người dân đang nằm điều trị tại các cơ sở KCB trong và ngoài tỉnh Điện Biên. “Nếu đột ngột cắt giảm thẻ BHYT từ tháng 6/2021 sẽ ảnh hưởng đến những phát sinh chi phí KCB từ ngày 1/6/2021 đến nay không có nguồn chi trả; toàn bộ người đang nằm điều trị tại các cơ sở KCB trong và ngoài tỉnh khi ra viện không được quỹ BHYT thanh toán và phải tự đóng 100% chi phí trong giai đoạn điều trị dẫn đến khó khăn về kinh tế và ảnh hưởng tâm lý điều trị bệnh của người dân”- ông Tuấn nhận định.

Thách thức cho mục tiêu bao phủ BHYT

Trên địa bàn Lào Cai hiện có 168.450 người đang được NSNN đóng kinh phí cấp thẻ BHYT hàng năm và thẻ BHYT đang có giá trị đến thời điểm này. Số đối tượng giảm tương ứng với 22,2%, theo số liệu này thì tỷ lệ bao phủ mới chỉ đạt 76,3% so với kế hoạch được giao. Điều đó ảnh hưởng rất lớn tới độ bao phủ BHYT theo chỉ tiêu đề ra.

Còn tại Sơn La, số đối tượng được NSNN mua thẻ BHYT cũng giảm khoảng 186.000 người, bằng 14,7% dân số và bằng 15,5% số người đang tham gia BHYT của tỉnh. Như vậy, tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh Sơn La giảm từ 95,9% năm 2020 xuống còn 80,1% (tháng 6/2021).

Theo ông Thiều Quang Ngãi- Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La, thực tế trên cho thấy, việc thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT đặt ra những thách thức không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành trên địa bàn, mà trực tiếp là BHXH tỉnh Sơn La. Hiện đa số người dân còn gặp nhiều khó khăn, khó có khả năng tự tham gia BHYT, dẫn đến việc có nguy cơ tái nghèo nếu bị ốm đau. Khi tỷ lệ người dân tái nghèo tăng thì NSNN và ngân sách tỉnh phải chi cho an sinh xã hội, bảo trợ xã hội tăng lên rất nhiều. “Tỷ lệ bao phủ BHYT giảm đồng nghĩa tỉnh không đạt chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao và Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đề ra là đến hết năm 2025 đạt 96,2% dân số tham gia BHYT”- ông Ngãi nhấn mạnh.

Do đó, ông Thiều Quang Ngãi cho rằng, để duy trì và tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, các địa phương cần tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện chính sách, pháp luật BHYT. Trong đó, UBND các huyện, thành phố cần chủ động rà soát, giao chỉ tiêu cụ thể số người tham gia BHYT cho các xã, phường, thị trấn; UBND xã, phường, thị trấn cũng cần giao chỉ tiêu cụ thể cho từng bản, tổ dân phố, tiểu khu.

Công tác truyền thông cần thay đổi phù hợp với đặc thù của từng nhóm đối tượng, từng khu vực. “Chúng ta cần phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân có uy tín trong các khu dân cư để vận động người dân tham gia BHYT. Tập trung tuyên truyền, vận động đối tượng tại các xã vùng I, xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tham gia BHYT để đạt tỷ lệ theo quy định về nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Cùng với đó, huy động các nguồn lực xã hội, nhà hảo tâm, tổ chức xã hội từ thiện tặng thẻ BHYT cho các đối tượng khó khăn”- ông Ngãi đề xuất.

Ông Ngãi cũng cho rằng, HĐND tỉnh cần sớm ban hành Nghị quyết tiếp tục sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đã được NSNN hỗ trợ và hỗ trợ cho đối tượng là người DTTS cư trú ở các xã vùng I, xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tham gia BHYT. Đề xuất sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ thêm để mua thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng giai đoạn 2022-2025… Đặc biệt, cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống tận xã, phường, thị trấn.

“Với phương châm “đi tận ngõ, gõ tận nhà, rà từng đối tượng”, truyền thông phải làm thay đổi nhận thức của người dân, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, để người dân thấy được việc tham gia BHYT chính là bảo vệ sức khỏe và tài chính cho chính mình và gia đình. Về phần mình, chúng tôi xác định sẽ nỗ lực cao nhất, trách nhiệm cao nhất, phục vụ với tinh thần tất cả vì quyền lợi, vì sức khỏe của người dân”- ông Thiều Quang Ngãi khẳng định.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội