Phát huy bài học đoàn kết
02/09/2021 11:53 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Cách đây 76 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Để có được sự kiện lịch sử vĩ đại này, cả đất nước đã trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn gian khổ. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong bản Tuyên ngôn Độc lập: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”, từ đó mở ra một trang sử mới cho đất nước.
Trong 76 năm qua, đã từng có những lúc đất nước ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” với muôn vàn gian khổ bởi chiến tranh ác liệt, nhưng đất nước vẫn không ngừng đi lên, phát triển và đạt thành tựu lớn lao.
Lưới an sinh ngày càng bao phủ rộng khắp, giúp nhiều người dân ổn định cuộc sống
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đặc biệt, sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, từ một nước nghèo lại bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm; quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những bảo đảm được an ninh lương thực, mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỷ USD vào cuối năm 2020.
Đi lên từ chiến tranh, phát triển kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế- xã hội những năm 1980 và cải thiện đáng kể đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước). Việt Nam tập trung hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục THCS năm 2010; số SV CĐ, ĐH tăng gần 17 lần trong 35 năm qua.
Trong khi chưa thực hiện được việc bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho toàn dân, Việt Nam tập trung vào việc tăng cường y tế dự phòng, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây đã được khống chế thành công. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp BHYT miễn phí; đến cuối năm 2020, tỷ lệ người dân có thẻ BHYT đã đạt trên 90%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Liên Hợp Quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới…
Năm 2021, cả nước kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 trong bối cảnh đặc biệt. Đó là, việc cả nước đang phải gồng mình chiến đấu với đại dịch COVID-19; hàng chục tỉnh, thành phố phía Nam liên tục ghi nhận số ca nhiễm tăng. Cùng với đó, những địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… cũng đang trong những ngày phải thực hiện giãn cách xã hội ở mức nghiêm ngặt nhất.
Trong bối cảnh đó, ngày Quốc khánh năm nay nhắc nhớ chúng ta về những thời kỳ đất nước từng rơi vào khó khăn, nhưng cũng chính trong khó khăn đó, nhân dân cả nước đã đoàn kết, đồng lòng, chung sức làm nên những chiến thắng lớn lao, với dấu mốc lịch sử vẻ vang. Cuộc chiến với kẻ địch mang tên “COVID-19” lần này cũng vậy. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã và đang quyết tâm dồn toàn lực chống dịch, với những quyết sách mạnh mẽ nhất, quyết liệt nhất, chưa từng có tiền lệ, với mục tiêu chặn đứng dịch, bảo đảm an toàn tính mạng và an sinh cho người dân. Phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau” được thể hiện một cách cụ thể nhất, giúp từng người dân, từng gia đình vượt qua khó khăn do dịch bệnh.
Bởi vậy, mỗi người dân chúng ta cần giữ vững niềm tin, lạc quan, nêu cao trách nhiệm với bản thân, gia đình và cả cộng đồng, thực hiện nghiêm các quy định, chỉ thị của chính quyền trong phòng chống dịch. Cuộc chiến nào cũng sẽ có mất mát, đau thương. Cuộc chiến với đại dịch COVID-19 cũng vậy. Thế nhưng, không phải vì những mất mát, đau thương đó mà chúng ta bi quan, thiếu đi sự tin tưởng và hướng tới tương lai tươi sáng hơn.
Đại dịch COVID-19 là kẻ thù của cả nhân loại, gây thách thức với toàn cầu, kể cả với những quốc gia phát triển. Nhưng cần nhớ rằng, xuyên suốt 76 năm qua, đất nước ta đã từng có những thời khắc khó khăn hơn, ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi phải chống chọi với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, và rồi cả dân tộc vẫn vượt qua và chiến thắng. Hôm nay, chúng ta có một đất nước độc lập, đã đoàn kết vững vàng đi qua bao thách thức to lớn, với tiềm lực kinh tế sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập mạnh mẽ, hệ thống an sinh xã hội bao phủ rộng… Đó chính là những nền tảng để chúng ta có thể tin tưởng vào sự thành công trong cuộc chiến với kẻ thù giấu mặt COVID-19 hôm nay.
“Sau cơn mưa trời lại sáng”. Sau những khó khăn, sau những trận chiến lớn, đất nước lại bước vào giai đoạn phát triển mới. Với niềm tin ấy, sau trận chiến lớn với giặc COVID-19, vượt qua những thách thức, những hy sinh mất mát, chúng ta sẽ có được những bài học kinh nghiệm lớn để tiếp tục phát triển đất nước mạnh mẽ, bền vững hơn, chú trọng cả về kinh tế và xây dựng hệ thống an sinh xã hội bao phủ đến toàn dân, tạo nền tảng vững chắc để “không ai bị bỏ lại phía sau”, đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra.
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số