Bước đi quan trọng trong tiến trình BHYT toàn dân

05/09/2021 08:22 AM


Thời gian qua, việc thực hiện chính sách BHYT cho người dân nói chung, HSSV nói riêng đã được quy định, luật hóa một cách thống nhất, mang tính bắt buộc. Đây là bước đi quan trọng trong tiến trình thực hiện BHYT toàn dân ở Việt Nam.

Luật hoá các quy định về BHYT HSSV

Việc thực hiện chính sách BHYT cho mọi người dân nói chung, trong đó có một bộ phận chiếm tỷ lệ lớn là HSSV đã được luật hóa một cách thống nhất, mang tính bắt buộc, được xem là nền tảng quan trọng trong tiến trình thực hiện BHYT toàn dân ở nước ta. Đảng, Nhà nước luôn xác định, việc chăm lo sức khỏe nhân dân là trách nhiệm, nên bên cạnh việc quy định BHYT là hình thức bắt buộc, Luật BHYT 2014 cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong triển khai thực hiện. Đặc biệt, Luật BHYT 2014 quy định các cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách HSSV tham gia BHYT. Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC cũng quy định cơ sở giáo dục thu tiền đóng của HSSV để nộp vào quỹ BHYT và các nhà trường có trách nhiệm đảm bảo sử dụng đúng quy định phần kinh phí được trích lại cho công tác y tế trường học.

 

Cùng với các quy định của pháp luật, công tác BHYT HSSV được BHXH các tỉnh tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn; giao chỉ tiêu thực hiện cho từng cơ sở giáo dục, phấn đấu 100% tham gia BHYT HSSV. Ðồng thời, phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác BHYT HSSV; tổ chức khen thưởng đối với tập thể nhà trường, cá nhân thực hiện tốt công tác BHYT HSSV. Xây dựng kế hoạch, tổ chức lễ ra quân, truyền thông về công tác BHYT HSSV trước mỗi năm học mới bằng các hình thức phù hợp đến tất cả các cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề. Tăng cường phối hợp các sở, ngành có liên quan đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ hoặc huy động các nguồn tài trợ hợp pháp khác để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV, nhất là những HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Phối hợp Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở KCB trên địa bàn bảo đảm kịp thời quyền lợi về KCB cho tất cả người dân và HSSV theo quy định của pháp luật…

Có thể nói, những năm qua, tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV đã phát triển ổn định và tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2016, cả nước đạt tỷ lệ hơn 92,5% HSSV tham gia BHYT thì đến năm 2017 chiếm hơn 93%. Và đến hết năm học 2020-2021, cả nước đã có khoảng 18 triệu HSSV, chiếm khoảng 97% HSSV tham gia BHYT (trong đó có hơn 14,5 triệu HSSV tham gia BHYT tại nhà trường và 3,5 triệu HSSV tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác...).

Mặc dù chủ trương phát triển BHYT HSSV là nhất quán, song vẫn có không ít vướng mắc cần phải được tháo gỡ trong thực hiện. Dù đã có quy định “bắt buộc” tham gia BHYT, nhưng các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc HSSV tham gia BHYT dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại một số địa phương. Đặc biệt, nhóm đối tượng SV, đặc biệt là SV các trường ĐH, CĐ từ năm thứ 2 trở đi tham gia BHYT chưa cao, chỉ chiếm khoảng 80% đến 85% tổng số SV. Với tâm lý chủ quan về sức khỏe ở độ tuổi này, nhiều em chưa nhận thức được việc tham gia BHYT rất cần thiết cho chính mình và cộng đồng, không thực hiện nguyên lý bảo hiểm khi trẻ khỏe để thụ hưởng khi ốm đau, bệnh tật… Ðây là điều trăn trở của các nhà quản lý để tìm giải pháp, bởi HSSV là một trong các nhóm đối tượng có mục tiêu phấn đấu phải đạt nhanh tỷ lệ bao phủ 100%. Ngoài ra, “khoảng trống” này còn có lý do là HSSV ngoài tham gia tại nhà trường còn có thể tham gia theo các nhóm đối tượng khác, như: hộ gia đình, đối tượng nghèo, cận nghèo, thân nhân lực lượng vũ trang... cho nên có thể chưa được thống kê vào nhóm BHYT HSSV…

Để mọi HSSV đều được hưởng quyền lợi BHYT

Đánh giá về việc triển khai BHYT HSSV những năm gần đây, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội nhận định, việc phát triển BHYT HSSV những năm qua đã có sự tiến bộ vượt bậc. Điều này được thể hiện ở nhận thức của những người làm công tác BHYT HSSV từ các cấp chính quyền, cơ quan BHXH đến các cơ sở giáo dục đào tạo và đặc biệt là nhận thức của các bậc phụ huynh. Tất cả các bên liên quan đều ý thức sâu sắc BHYT gắn bó thiết thực với quyền lợi HSSV. Nhận thức của các bậc phụ huynh đã được nâng cao, khi chủ động tham gia BHYT cho con em mình ngay từ khi còn khỏe mạnh... Ðồng thời, công tác giáo dục đào tạo của các nhà trường cũng ngày càng nâng cao tầm hiểu biết của các em. Tại các nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên cũng có sự thay đổi quan điểm về trách nhiệm phát triển BHYT HSSV trong đơn vị. Những năm trước đây, phần lớn giáo viên chỉ cho rằng đây là nhiệm vụ của ngành BHXH, những buổi họp đầu năm học giáo viên chỉ “nhân tiện” thông tin để phụ huynh, HS nào có nhu cầu thì tham gia. Nhưng hiện nay, tuyên truyền, vận động HSSV tham gia BHYT đã trở thành ý thức, trách nhiệm của các thầy, cô giáo, và nhận được sự đồng tình của các bậc phụ huynh...

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ phân bổ kinh phí cho công tác y tế trường học tại các cơ sở giáo dục từ nguồn quỹ BHYT trích lại chiếm 82,5%; tỷ lệ kinh phí từ NSNN chiếm 17,5% và xu hướng giảm dần nguồn đầu tư từ NSNN. Điều đó cho thấy nguồn kinh phí trích lại từ BHYT đang giữ vai trò chủ yếu trong nguồn kinh phí hoạt động của công tác CSSKBĐ cho HSSV trong các cơ sở giáo dục.

Cùng với đó, BHYT HSSV đã thể hiện lợi thế của mình trong chăm lo sức khỏe cho thế hệ trẻ. Trong xu thế quyền lợi BHYT ngày càng được mở rộng, chất lượng KCB được nâng cao, HSSV cũng đang được hưởng nhiều lợi ích từ chính sách BHYT. Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, mỗi năm kinh phí BHYT trích lại để thực hiện công tác CSSKBĐ cho HSSV lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được sử dụng mua thuốc thiết yếu, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường… cho hệ thống y tế trường học, phục vụ công tác khám sức khỏe đầu năm học, CSSKBĐ hằng ngày cho HSSV trong thời gian theo học tại nhà trường. Quỹ BHYT cũng góp phần giảm tối đa gánh nặng kinh tế cho gia đình HSSV trong việc chi trả chi phí KCB. Theo thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 8 triệu lượt HSSV được KCB BHYT, với tổng chi phí lên tới hơn 2.100 tỷ đồng...

“Dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Việc triển khai BHYT HSSV năm học 2021-2022 cũng sẽ gặp nhiều trở ngại. Do vậy, cơ quan BHXH và ngành Giáo dục tại các địa phương phải phát huy tính chủ động, năng động và nhất là sự linh hoạt, sáng tạo, xác định rõ vai trò quan trọng của BHYT HSSV tạo động lực lớn cho công tác phát triển mở rộng diện bao phủ BHYT năm 2021 và là nền tảng bền vững cho lộ trình BHYT toàn dân ở nước ta. Đặc biệt, năm nay Chính phủ cũng tổng kết việc thực hiện Quyết định 1167/QĐ-TTg về giao chỉ tiêu phát triển BHYT cho các địa phương giai đoạn 2016-2020 và tiếp tục thực hiện giao chỉ tiêu bao phủ BHYT giai đoạn mới, trong đó có BHYT HSSV”- ông Lợi nhận định.

Với trách nhiệm của mình, ông Nguyễn Huy Nho- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD-ĐT) cho biết, mục tiêu đạt được 100% HSSV tham gia BHYT cần nhiều giải pháp đồng bộ, phối hợp các ngành, các cấp. Nòng cốt vẫn là ngành Giáo dục, BHXH Việt Nam, ngành Y tế để thực hiện mục tiêu kỳ vọng này. Theo đó, Bộ GD-ĐT đang phối hợp Bộ Y tế hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống y tế trong trường học. Hoạt động này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo động lực và niềm tin cho phụ huynh và HSSV sẵn sàng tự nguyện tham gia BHYT. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và BHXH Việt Nam chỉ đạo các cơ sở giáo dục có chương trình kế hoạch phối hợp cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của từng địa bàn.

Tới đây, ngành Giáo dục có sự chỉ đạo, đổi mới công tác tuyên truyền hơn nữa, nhấn mạnh tuyên truyền đúng đối tượng. Theo đó, sẽ đổi mới tuyên truyền cho nhóm đối tượng. Khi đã phân loại nhóm chưa đóng BHYT, tìm nguyên nhân, tư vấn tuyên truyền trực tiếp qua hệ thống đoàn hội hoặc tuyên truyền trực tiếp tới đối tượng này chứ không dùng hình thức tuyên truyền rộng. Đồng thời, ngành Giáo dục và BHXH Việt Nam cần tăng cường kiểm tra, đánh giá công tác thực hiện BHYT ở các cơ sở; vai trò phối hợp ở các ngành địa phương trong thực hiện chính sách BHYT.

Việc sử dụng kinh phí trích lại của BHYT cho công tác CSSKBĐ tại các cơ sở giáo dục rất hiệu quả như: mua khẩu trang, nước rửa tay phòng chống dịch, văn phòng phẩm, tủ tài liệu phục vụ việc quản lý hồ sơ sức khỏe HSSV tại trường; mua sách, tài liệu, phòng, chống dịch bệnh trong trường học, mua thuốc thiết yếu, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để tổ chức sơ cấp cứu ban đầu, khám sức khỏe định kỳ và CSSKBĐ...

Tạp chí BHXH