Cần có giải pháp hạn chế số NLĐ nhận BHXH một lần

06/12/2021 10:20 PM


Trước thực trạng rút BHXH một lần có chiều hướng gia tăng trong CNLĐ; tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH lớn, kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, Công đoàn cần có những giải pháp giải quyết dứt điểm nhằm đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Kiến nghị trên được đưa ra tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 24 (Khoá XII) được Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức ngày 6/12. Hội nghị do Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang chủ trì.

Trình bày báo cáo về kết quả hoạt động công đoàn năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022, ông Trần Thanh Hải- Phó chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, năm 2021 dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ tư (từ ngày 27/4/2021) với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn so với các chủng trước đây, lại xâm nhập sâu vào các trung tâm, đô thị lớn, địa bàn tập trung đông CNLĐ và các KCN…, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế, đời sống của nhân dân, tác động trực tiếp đến đời sống, việc làm của CNVCLĐ.

Đã có trên 2 triệu CNLĐ phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do DN tạm dừng hoạt động. Đặc biệt, thời gian qua, số lượng NLĐ đăng ký hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều hệ lụy liên quan đến quyền lợi của NLĐ. Cụ thể, tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có hơn 700.000 người nhận BHXH một lần, tăng 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, Nhà ở tiếp tục là vấn đề bức thiết đối với CNLĐ đặc biệt là ở KCN, khi mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu. Một bộ phận lớn CNLĐ nhập cư phải thuê nhà trọ dân sinh với điều kiện sinh hoạt không đảm bảo…

Theo ông Trần Thanh Hải, dịch bệnh bùng phát gây nhiều khó khăn cho NLĐ trong việc chăm sóc, giáo dục con cái, gây ra những xáo trộn, làm thay đổi đời sống tâm lý, tinh thần, thói quen… của CNVCLĐ nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội. Đã xuất hiện tình trạng một bộ phận NLĐ rời các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về quê tự phát, dẫn tới các hệ lụy liên quan tới an toàn khi di chuyển cũng như trong công tác phòng, chống dịch bệnh, làm tăng nguy cơ thiếu hụt lao động tại các địa phương nơi NLĐ rời đi.

Trong bối cảnh đó, đội ngũ CNVCLĐ đã nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định trong công tác phòng, chống dịch; tích cực lao động, sản xuất tại những DN, cơ sở có đủ điều kiện trong điều kiện khó khăn thiếu thốn; nhiều đoàn viên, NLĐ đã trở thành những chiến sĩ, tình nguyện viên nơi tuyến đầu, sát cánh cùng chính quyền, lực lượng chức năng tại cơ sở "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" phục vụ phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống cho người dân, góp phần vào thành công chung trong công tác phòng, chống dịch của cả nước.

Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở tiếp tục đạt kết quả, dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tính đến hết tháng 10/2021, các cấp Công đoàn đã kết nạp mới 688.007 đoàn viên (đạt 114% chỉ tiêu), thành lập 2.903 công đoàn cơ sở trong đó có 1.107 công đoàn cơ sở tại DN có từ 25 lao động trở lên. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, tính đến ngày 25-11, các cấp Công đoàn đã chi và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ đoàn viên, NLĐ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền gần 6.000 tỉ đồng.

Góp ý vào Tờ trình báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022, ông Nguyễn Phi Thường- Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho rằng: Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được của tổ chức Công đoàn, Báo cáo cần nêu rõ thực trạng và những thách thức lớn về tình hình lao động- việc làm hiện nay, đó là: CNLĐ thu nhập còn thấp, không có tích lũy; số lượng CNLĐ phải di cư về quê lớn; số lao động trong khu vực chính thức giảm, khu vực phi chính thức tăng; kỹ năng lao động của CNLĐ còn hạn chế, dẫn đến năng suất lao động chưa cao…

Bên cạnh đó, tình trạng rút BHXH một lần đang gia tăng trong công nhân lao động; tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH lớn, kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ… Từ những vấn đề nêu trên, Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề nghị, những vấn đề trên cần được nêu rõ trong Kế hoạch công tác năm 2022; đặc biệt, cần có những giải pháp cụ thể, giải quyết dứt điểm từng vấn đề. Qua đó, nêu bật, làm rõ vai trò của tổ chức Công đoàn, chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, NLĐ, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Trao đổi về nội dung này tại Hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định, năm 2021 là một năm đầy khó khăn, thử thách nhưng các cấp Công đoàn đã làm tốt công tác tuyên truyền đoàn viên, NLĐ gắn bó, chia sẻ với DN; đồng hành với Chính phủ trong thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cán bộ công đoàn ngày đêm trăn trở, lăn lộn, chia sẻ với khó khăn của NLĐ. “Trong bối cảnh dịch bệnh, các cấp Công đoàn đã vượt khó, sáng tạo huy động đoàn viên, NLĐ tình nguyện tham gia các hoạt động do công đoàn triển khai thực hiện… Qua đó, hình ảnh, vị thế, vai trò của tổ chức công đoàn nổi bật, niềm tin của NLĐ, của DN với công đoàn tăng lên”- ông Hiểu nhấn mạnh.

Về tình trạng NLĐ nhận BHXH một lần gia tăng, ông Hiểu cho rằng, tình trạng nhận BHXH một lần nhiều và có xu hướng gia tăng là vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ cũng như nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới “mục tiêu BHXH toàn dân” như Nghị quyết 28-NQ/TW đã đề ra. Mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có Công văn số 3154 yêu cầu các cấp Công đoàn thực hiện một số giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng NLĐ nhận BHXH một lần đang gia tăng.

Theo đó, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu Công đoàn các cấp tập trung phối hợp với ngành BHXH Việt Nam đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT nói chung, BHXH một lần nói riêng, nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật cho đoàn viên Công đoàn và NLĐ. “Thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng này”- ông Hiểu chia sẻ.

Tiếp thu các ý kiến trao đổi tại Hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang yêu cầu bộ phận chuyên môn cần sớm hoàn thiện báo cáo, phải nêu bật những điểm mới, sáng tạo của hoạt động công đoàn, từ thích ứng, phương thức, cách làm, mô hình... Bên cạnh đó, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những điểm chưa làm được, chỉ rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình công tác trong năm 2022.

Tạp chí BHXH