Quy định 69-QĐ/TW: Thêm căn cứ xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT

21/10/2022 10:05 PM


Ngày 6/7/2022, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Quy định 69-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương quy định về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Đáng chú ý, trong đó có Điều 24 và Điều 43 quy định về một số trường hợp vi phạm liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

Theo Quy định 69-QĐ/TW, tất cả tổ chức đảng và đảng viên bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều phải xem xét thi hành kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời. Việc thi hành kỷ luật phải đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Đảng. Khi xem xét kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, ý thức, thái độ tự phê bình, tiếp thu phê bình và kết quả sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra…

Thông qua CSDL tập trung, ngành BHXH Việt Nam phát hiện nhiều trường hợp vi phạm 

Một trong những điểm đáng chú ý trong Quy định 69-QĐ/TW là việc xử lý tổ chức đảng và đảng viên vi phạm quy định về an sinh xã hội và chính sách đối với người có công (Điều 24) và quy định về “Vi phạm quy định trong lĩnh vực y tế” (Điều 43).

Cụ thể, Khoản 1 Điều 24 “Vi phạm một trong các trường hợp sau, gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách” quy định rõ các hành vi như:

Chỉ đạo thực hiện không đúng quy định về chính sách an sinh xã hội, ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân hoặc chỉ đạo thực hiện không đúng quy định về chính sách việc làm, BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, chính sách đối với người có công. Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trái quy định của Đảng, Nhà nước về chính sách ưu đãi đối với người có công, đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ.

Thờ ơ vô cảm, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện dẫn đến cấp dưới trực tiếp kê khai sai hoặc khai khống để hưởng lợi từ chính sách an sinh xã hội. Có chủ trương, chỉ đạo việc xác nhận cho người hưởng chính sách an sinh xã hội hoặc người có công không đúng đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện.

Không chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát để cấp dưới trực tiếp chi sai hoặc cho hưởng sai đối tượng, định mức, tiêu chuẩn về chính sách an sinh xã hội, cứu trợ, cứu nạn. Chỉ đạo báo cáo sai thực tế để được hỗ trợ, thực hiện chính sách an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo, cứu trợ, cứu đói, cứu hộ, cứu nạn không đúng quy định.

Cho chủ trương hoặc chỉ đạo thực hiện trái quy định trong vận động, tiếp nhận, điều phối các nguồn đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân để hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng.

Khoản 2, Điều 24 “Vi phạm lần đầu những trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo” quy định: Ban hành nghị quyết, chỉ thị, quy định về an sinh xã hội và chính sách đối với người có công trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hoạt động câu kết lợi ích nhóm nhằm trục lợi về an sinh xã hội, BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thanh tra việc phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, khắc phục thảm họa, cứu hộ, cứu nạn.

Khoản 3, Điều 24 “Kỷ luật bằng hình thức giải tán trong trường hợp có chủ trương, hành động chống lại chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội và chính sách đối với người có công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

Bên cạnh đó, Điều 43 Quy định 69-QĐ/TW cũng quy định về “Vi phạm quy định trong lĩnh vực y tế”. Theo đó, xác định rõ, đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách: Vi phạm quy chế, quy định về chuyên môn của ngành Y tế; không trung thực kê khai và thanh toán chi phí KCB; phân biệt đối xử với người bệnh, lạm dụng nghề nghiệp để gây phiền hà, sách nhiễu người bệnh; từ chối KCB cho người bệnh; bán, giao cho người bệnh thuốc kém chất lượng, hết hạn sử dụng, kê đơn thuốc không đúng với bệnh; kê đơn và chỉ định người bệnh mua thuốc tại cửa hàng thuốc, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở KCB có liên quan đến mình để nhận hoa hồng trái pháp luật; thực hiện không đúng quy định liên danh liên kết, góp vốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành y tế; xác nhận, giám định tình trạng sức khỏe cho cá nhân không đúng quy định.

Trường hợp đã kỷ luật theo Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ): Nâng khống giá dịch vụ, vật tư, kỹ thuật y tế trong KCB để trục lợi; sử dụng người bệnh làm thực nghiệm nghiên cứu khoa học khi chưa được phép của cơ quan y tế có thẩm quyền và đồng ý của người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân; thờ ơ, vô cảm, không đón tiếp, sơ cứu, cấp cứu, cứu chữa để xảy ra hậu quả nghiêm trọng đối với người bệnh; không có biện pháp bảo quản, sử dụng thuốc an toàn, đúng quy định; thiếu trách nhiệm trong KCB; yêu cầu người bệnh đến khám và điều trị tại cơ sở y tế tư nhân do mình lập ra hoặc cơ sở y tế do mình tham gia thành lập nhằm trục lợi.

Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ: Tự ý bỏ vị trí khi làm nhiệm vụ, không theo dõi và xử lý kịp thời diễn biến của người bệnh dẫn đến tử vong; thiếu trách nhiệm, không kịp thời sơ cứu, cấp cứu, chẩn đoán, xử lý đối với người bệnh dẫn đến tử vong; đặt điều kiện về vật chất hoặc vòi vĩnh nhận tiền, quà có giá trị lớn của người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân trong quá trình KCB; tẩy xoá, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm trốn tránh trách nhiệm; lợi dụng việc KCB để trục lợi BHYT…

Trong thời gian qua, tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị có tình trạng vi phạm pháp luật BHXH, BHYT như: Trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT; lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT… gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người dân, NLĐ cũng như sự an toàn cho quỹ. Đáng nói, tình trạng vi phạm này có sự tiếp tay, tham gia của một số tổ chức, cá nhân là cán bộ, đảng viên. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, hệ thống chính trị và an ninh trật tự xã hội, mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước.

Việc xử lý các vi phạm trên đã được quy định rõ trong một số luật như: Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Luật BHXH, Luật BHYT. Ngày 15/8/2019, Hội đồng Thẩm phán (TAND Tối cao) đã ban hành Nghị quyết 05/2019/HĐ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng Điều 214, Điều 215, Điều 216 của Bộ luật Hình sự 2015 về các tội danh liên quan đến BHXH, BHYT. Ngành BHXH Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan, nhất là phối hợp với ngành Công an, Thanh tra, LĐ-TB&XH… điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật BHXH, BHYT vẫn diễn ra, thậm chí tại nhiều nơi còn có biểu hiện tinh vi, phức tạp hơn.

Vì vậy, có thể nói, việc Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định 69-QĐ/TW là rất cần thiết, nhất là trong thực tế xuất hiện một số tổ chức đảng và đảng viên cố tình vi phạm pháp luật, trong đó có pháp luật BHXH, BHYT. Với Quy định này, các tổ chức đảng và đảng viên có hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT không chỉ bị xử lý theo quy định của các luật liên quan, mà còn bị xử lý về đảng, góp phần chấn chỉnh, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân, cũng như tính gương mẫu, đi đầu của người đảng viên.

Tạp chí BHXH