Đơn thư trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội

30/12/2022 06:00 PM


Đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh là phát sinh bình thường trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước; ngành, lĩnh vực nào có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống nhân dân lao động thì ngành, lĩnh vực đó sẽ phát sinh nhiều đơn thư.

Đối với ngành bảo hiểm xã hội (BHXH), hiện nay BHXH tỉnh Đắk Lắk đang quản lý 123.660 người tham gia BHXH, trong đó có 105.928 người tham gia BHXH bắt buộc, 17.732 người tham gia BHXH tự nguyện; 94.582 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); 1.601.915 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), chiếm tỷ lệ bao phủ 83,53% dân số; 47.230 người đang hưởng các chế độ BHXH thường xuyên. Hàng tháng giải quyết cho hàng chục nghìn người thụ hưởng các chế độ BHXH, BHTN, hàng trăm nghìn lượt người thụ hưởng chính sách BHYT; có thể nói chính sách BHXH, BHTN, BHYT là những chính sách an sinh xã hội rộng lớn, có ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng đến quyền lợi, nghĩa vụ của đại đa số quần chúng nhân dân lao động, của doanh nhiệp, của các cơ quan, đơn vị, do vậy, việc phát sinh các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này là điều tất yếu trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành BHXH.

Người lao động đến giải quyết hồ sơ tại bộ phận 1 cửa BHXH tỉnh

Trong những năm gần đây, những phát sinh kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT có chiều hướng giảm, tuy nhiên, số lượng đơn thư trong lĩnh vực BHXH cũng chiếm số lượng tương đối nhiều so với các ngành, lĩnh vực khác. Nếu như trong năm 2020, số lượng đơn về lĩnh vực BHXH phát sinh đã được giải quyết là 41 đơn thì đến năm 2021, tổng số đơn chỉ còn 37 trường hợp, 11 tháng đầu năm 2022 còn 17 trường hợp. Nội dung kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo chủ yếu về việc thu BHXH, BHYT, BHTN; giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; việc tính thời gian công tác trước năm 1995 để hưởng BHXH; những sai lệch về hồ sơ, về thông tin của người tham gia, người thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN…

Nguyên nhân phát sinh đơn thư rất đa dạng nhưng tựu chung xuất phát từ từ một số nguyên nhân chính, đó là hệ thống pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT chưa đồng bộ, chưa hoàn chỉnh, một số chế độ chính sách chưa phù hợp, rất khó giải quyết. Mặt khác là nhận thức pháp luật của một bộ phận người lao động còn hạn chế, chưa nắm bắt, hiểu biết rõ về chế độ chính sách về BHXH, BHTN, BHYT nên chưa tự bảo vệ được quyền lợi của chính mình; việc thực hiện nghiệp vụ của một bộ phận viên chức ngành BHXH còn hạn chế làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Để giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong lĩnh vực BHXH trước hết cần phải nhận thức đúng về đơn thư. Đơn thư là thái độ ứng xử văn minh của con người trước những vấn đề xã hội, có thể vấn đề đó ảnh hưởng, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của một cá nhân; có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của tập thể; có thể là những vấn đề còn tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách BHXH, BHTN, BHYT… Do vậy, giải quyết đơn thư cần phải xem xét đầy đủ các khía cạnh, góc khuất, các yếu tố cấu thành nên nội dung phản ánh; phải bóc tách, cô đọng được nội dung cốt lõi của vấn đề, phải đứng trên quan điểm của người viết đơn thư, xem tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi của họ như là của chính mình thì mới có thể giải quyết vấn đề một cách đúng đắn, đảm bảo quyền lợi của người lao động, và đồng thời bảo vệ được hệ thống chính sách về BHXH, BHTN, BHYT.

Trong công tác quản lý, đơn thư là một kênh quan trọng giúp cho lãnh đạo ngành BHXH phát hiện những bất cập trong hệ thống chính sách về BHXH, BHTN, BHYT, từ đó có những kiến nghị với cơ quan chức năng bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về BHXH, xây dựng hệ thống chính sách về BHXH ngày càng đầy đủ, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của đại đa số quần chúng nhân dân lao động, bảo vệ và phát triển chính sách an sinh xã hội, một chính sách lớn và đầy tính nhân văn của Đảng và Nhà nước.

Qua giải quyết đơn thư có thể nhận thấy được những khâu còn hạn chế trong việc triển khai thực hiện các chính sách BHXH, BHTN, BHYT; những cán bộ, viên chức chưa tận tâm, chưa sâu sắc trong hoạt động chuyên môn… để từ đó có những chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời; đồng thời có phương án xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức và tổ chức đơn vị ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ngành và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người lao động./.

Trương Văn Bá