BH thất nghiệp, chính sách hỗ trợ an sinh hiệu quả cho NLĐ

05/09/2021 08:35 PM


Covid-19 đã và đang tác động mạnh đến thị trường lao động, việc làm tại hầu hết các quốc gia.

Linh hoạt điều chỉnh chính sách trong mùa dịch

Chế độ BH thất nghiệp một phần hay còn gọi là BH thất nghiệp ngắn hạn là thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đây được coi là biện pháp an sinh hỗ trợ tới NLĐ hiệu quả hơn cả. Theo đó, với cơ chế trợ cấp thất nghiệp một phần, cho phép hỗ trợ DN duy trì việc làm trong giai đoạn kinh tế khó khăn.

 

Theo đánh giá của Hiệp hội ASXH thế giới- ISSA, với việc thực hiện chế độ này, cho phép chủ sử dụng lao động giảm giờ làm của nhân viên và số tiền công giờ làm bị giảm sẽ được chi trả từ Quỹ BH thất nghiệp. Thực tế, đây là các quy định được Chính phủ nhiều quốc gia linh hoạt thực hiện khi dịch Covid-19 khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng phải giảm giờ làm vì nhiều lý do khác nhau (số khách hàng, đơn hàng bị giảm, thiếu nguyên liệu do nhập khẩu bị hạn chế….). Hình dung một cách đơn giản thì đó là tình trạng “thất nghiệp nửa vời”, chưa hẳn là bị mất việc làm, song thu nhập của người lao động bị giảm đi.

Đơn cử như, tại Áo, việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ từ Quỹ BH thất nghiệp áp dụng trong 3 tháng kể từ thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Chính phủ nước này sau đó đã gia hạn thời gian thêm 3 tháng. Các thủ tục thực hiện để nhận hỗ trợ được đơn giản hóa, tạo thuận lợi tối đa cho người thụ hưởng. Cụ thể, các tiêu chí xem xét hỗ trợ về số giờ làm việc, cách tính chế độ hưởng… nhìn chung được thực thi theo hướng mở.

Tại Bỉ, chương trình hỗ trợ thất nghiệp một phần đã được quy định từ thời kỳ trước khi có dịch bệnh, điều kiện nhận trợ cấp xuất phát từ các lý do kinh tế hoặc bất khả kháng. Khi dịch bệnh Covid-19 lây lan, các điều kiện hưởng được mở rộng hơn.

Theo đánh giá của ISSA, các quy định về hỗ trợ thất nghiệp một phần được thực hiện hiệu quả nhất trong khoảng tháng 4/2020. Thống kê từ ISSA, tại châu Âu, có khoảng 10,1 triệu công nhân ở Đức, 9,1 triệu công nhân ở Pháp và gần 1 triệu công nhân ở Bỉ nhận trợ cấp thất nghiệp một phần. Tại Đức, con số 10,1 triệu công nhân nhận trợ cấp thất nghiệp một phần chiếm 22,4% tổng số việc làm tại quốc gia này; lưu ý rằng, tại cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính năm 2009, con số này tại thị trường lao động Đức chỉ là 3,3 triệu người.

Có thể thấy, việc xây dựng chế độ BH thất nghiệp một phần là một trong những cơ chế can thiệp hiệu quả nhất để duy trì việc làm và năng lực sản xuất của nền kinh tế, bảo vệ mức thu nhập và hỗ trợ các doanh nghiệp và thực tiễn trong dịch bệnh Covid-19 đã cho thấy rõ. Các quy định mang tính mở, nới lỏng về điều kiện hưởng BH thất nghiệp một phần đã được nhiều quốc gia thực hiện.

Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay là tỷ lệ lao động được hưởng BH thất nghiệp đang rất thấp. Theo Báo cáo ASXH giai đoạn 2020-2022 của Tổ chức lao động quốc tế - ILO, đến nay mới chỉ có 18,6% NLĐ mất việc làm trên toàn thế giới được hưởng trợ cấp thất nghiệp trên thực tế. ILO cũng đánh giá, việc thực hiện BH thất nghiệp có ít tiến triển nhất trong số các chính sách ASXH được triển khai.

Tiếp tục phát huy hiệu quả hỗ trợ an sinh

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, từ đầu năm đến hết tháng 7/2021, đã có 415.752 người được giải quyết hưởng BHTN, trong đó có 406.650 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, hơn 9.100 người hưởng hỗ trợ học nghề. Số chi BHTN đến tháng 7 cũng đã đạt hơn 9.170 tỷ đồng, tăng khoảng 22,5% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Trước đó, trong năm 2020, số người hưởng BH thất nghiệp cũng đã tăng khá cao so với năm 2019. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2020, quỹ BH thất nghiệp đã chi 18.852 tỷ đồng, tăng 49,20% so với năm 2019. Trong đó, chi trợ cấp thất nghiệp cho hơn 1 triệu lượt người (con số chính xác là 1.004.729 lượt người) với số tiền 17.898 tỷ đồng; chi hỗ trợ học nghề là 148 tỷ đồng; chi đóng BHYT cho người hưởng BH thất nghiệp là 806 tỷ đồng.

Trong bối cảnh Covid-19 sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường lao động, số người hưởng BH thất nghiệp chắc chắn sẽ còn tăng lên cao hơn trong các tháng cuối năm. Điều này cũng cho thấy, chính sách BH thất nghiệp đã và đang phát huy vai trò tích cực, là “bệ đỡ” hiệu quả cho NLĐ trong bối cảnh khó khăn, bị mất việc làm, giảm thu nhập.

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, hiện có khoảng trên 13,07 triệu lao động tham gia BH thất nghiệp, chiếm khoảng 26,26% lực lượng lao động. Trong năm 2021, nhất là từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68-NQ/CP, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 23/2021/QĐ-TTg đưa ra 12 nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, NLĐ gặp khó khăn do Covid-19; trong đó đẩy mạnh hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ quỹ BH thất nghiệp; theo đó, mỗi lao động sẽ được hỗ trợ 1.500.000 đồng/người/tháng (tối đa 6 tháng). Yêu cầu đặt ra là DN phải có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ theo quy định.

Các chính sách hỗ trợ NLĐ, DN gặp khó khăn do Covid-19 đã được tích cực triển khai, cùng với đó, chính sách BH thất nghiệp cũng đang phát huy hiệu quả hỗ trợ an sinh NLĐ.

Tạp chí BHXH