Khi chính sách “bám sát” thực tiễn
06/09/2021 09:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
BHYT HSSV ngày càng khẳng định tính đúng đắn, được Đảng và Nhà nước ta coi trọng, thể hiện trên quá trình phát triển, hoàn thiện chính sách BHYT HSSV từ hình thức “tự nguyện” tham gia sang “có trách nhiệm” tham gia và đến nay là “bắt buộc” tham gia…
Với vai trò là một thiết chế tài chính đảm bảo thực hiện chăm sóc sức khỏe toàn dân, có thể nói rằng, chưa bao giờ chính sách BHYT lại nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành như thời điểm hiện nay. Điều đó thể hiện qua quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý thực hiện chính sách BHYT (Luật BHYT năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 và hiện đang tiếp tục được sửa đổi, chuẩn bị trình Quốc hội phê duyệt trong năm 2022; hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện), cùng nhiều các Nghị quyết, Quyết định, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về thực hiện, triển khai có hiệu quả chính sách BHYT được ban hành trong những năm qua… Thể hiện qua tỷ lệ người dân tham gia BHYT ngày càng nâng cao, hiện đã tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân với độ bao phủ khoảng 90% dân số, cùng với nhận thức, cùng kỳ vọng của người dân vào chính sách BHYT ngày càng cao…
Đặc biệt, việc triển khai chính sách BHYT với nhóm “công dân tiềm năng” là HSSV cũng đang cho thấy những kết quả tích cực từ thực tiễn. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số lượng HSSV tham gia BHYT đã gia tăng đáng kể qua từng năm. Từ năm 2016, tỷ lệ tham gia BHXH của HSSV trên cả nước đạt 92,5%, trong khi tỷ lệ bao phủ dân số toàn quốc là 81,3%. Đến năm 2017, tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV trên cả nước đã tăng lên 93,5%. Đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì sang năm 2018 với tỷ lệ bao phủ đạt 94,2% và năm 2019 đạt khoảng 95%. Hiện nay, cả nước đang có 18 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 97% tổng số HSSV.
Sự gia tăng độ bao phủ ở nhóm người trẻ này có một ý nghĩa đặc biệt, bởi sự hình thành “thói quen”, và “in sâu” nhận thức của nhóm HSSV về lợi ích, trách nhiệm tham gia BHYT sẽ là nền tảng để tạo nên sự bền vững của chính sách BHYT trong tương lai, khi nhóm đối tượng này rời khỏi ghế nhà trường, trở thành chủ nhân của đất nước.
Một “lợi ích kép” nữa trong việc phát triển BHYT HSSV là nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chính sách nhân văn và thiết thực này. Thực tế, bên cạnh sự nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam, tại mỗi địa phương, việc tăng cường trách nhiệm thực hiện Luật BHYT đối với các cấp, các ngành đang ngày càng được cải thiện. Tại hầu hết các địa phương, UBND tỉnh đều có văn bản chỉ đạo; liên ngành BHXH và GD-ĐT ban hành hướng dẫn thực hiện BHYT HSSV. Nhiều tỉnh, thành phố đã hỗ trợ thêm 20-50% mức đóng BHYT cho HSSV ngoài phần được ngân sách hỗ trợ theo quy định của Luật BHYT.
Đặc biệt, bên cạnh việc HSSV là nhóm thuộc đối tượng được NSNN hỗ trợ đóng 30%, với đặc thù được quản lý tập trung trong môi trường sư phạm, việc tiếp cận truyền thông chính sách, vận động tham gia ở nhóm này sẽ dễ dàng hơn khi có sự tham gia phối hợp của ngành GD-ĐT, phụ huynh HSSV. Thời gian qua, ngành GD-ĐT đã có các hoạt động phối hợp chặt chẽ hơn với ngành BHXH để triển khai thực hiện. Ngay từ khi Luật BHYT có hiệu lực thi hành, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản triển khai chính sách này trong toàn bộ hệ thống cơ sở giáo dục, và tiếp tục được cụ thể hóa tại từng địa phương bằng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ở cấp Sở, Phòng GD và các nhà trường…
Với các phụ huynh HSSV, cùng với ý thức sâu sắc BHYT là quyền lợi gắn bó thiết thực với con em của họ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tình trạng “lựa chọn ngược” đã không còn là hiện tượng phổ biến. Trước đây, nhiều phụ huynh chỉ tham gia BHYT khi biết con mình mắc bệnh trọng, cần điều trị với chi phí lớn, đến nay đã chuyển sang chủ động tham gia BHYT cho con em mình ngay từ khi còn khỏe mạnh. Các em HSSV cũng được nâng cao nhận thức, hiểu biết song song với các hoạt động đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền từ phía nhà trường…
Nâng cao ý thức về “trách nhiệm xã hội” cho thế hệ trẻ
Ý nghĩa thực sự khi gia tăng BHYT HSSV không nằm ở con số tăng trưởng vượt trội, mà thể hiện ở lợi ích thực tế mà chính sách này mang lại trong chăm sóc sức khỏe. Hiệu quả của chính sách BHYT đối với nhóm HSSV còn thể hiện qua số lượt KCB gia tăng theo từng năm. Trong xu thế quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, chất lượng KCB ngày càng được nâng cao thì đối tượng HSSV cũng được hưởng thụ nhiều hơn lợi ích từ quỹ BHYT, từ chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) đến việc KCB. Hằng năm, cơ quan BHXH chi gần 1.000 tỷ đồng kinh phí CSSKBĐ, trong đó chủ yếu dành cho nhóm HSSV. Thống kê từ năm 2016 đến nay cho thấy, tính trung bình mỗi năm, có khoảng trên 8 triệu lượt HSSV được KCB BHYT với tổng chi phí lên tới hơn 2.100 tỷ đồng. Quỹ BHYT chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo; điều trị thuốc chống ung thư, phẫu thuật tim mạch với chi phí từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng... Đáng chú ý, BHYT chi trả đến 30% cho các trường hợp điều trị bệnh hiếm, trong khi quỹ BHYT ở hầu hết các nước trên thế giới chưa chi trả. Thống kê thực tế cho thấy, số lượt KCB, tổng chi từ quỹ BHYT, mức chi BHYT bình quân/thẻ cho mọi nhóm đối tượng liên tục tăng qua các năm. Đặc biệt, nguồn kinh phí CSSKBĐ trích từ quỹ BHYT đảm bảo cho y tế trường học- quyền lợi chỉ có ở nhóm HSSV cũng liên tục tăng qua các năm…
Có thể nói rằng, việc thực hiện BHYT bao phủ tất cả HSSV không chỉ đem lại lợi ích cho cá nhân HSSV mà còn thể hiện trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng và xã hội... Rõ ràng không phải không có lý do mà trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện chính sách BHYT, nhóm HSSV luôn được sự quan tâm đặc biệt. Từ Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị đến Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020 ngày 28/6/2016… đều đề cập đến HSSV là một nhóm mục tiêu, hoàn thành sớm tỷ lệ 100% tham gia. Trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, HSSV cũng được lựa chọn là nhóm cần sớm được bao phủ BHYT, nhằm tạo động lực phát triển BHYT toàn dân bền vững và vì một nền giáo dục toàn diện… Đó là quyết tâm rất lớn của Đảng và Chính phủ đối với việc thực hiện pháp luật BHYT nói chung và pháp luật BHYT đối với nhóm HSSV- thế hệ tương lai của đất nước nói riêng. Bởi vậy, dù còn tỷ lệ nhỏ HSSV chưa tham gia BHYT cũng là vấn đề khiến chúng ta phải trăn trở…
Từ năm 2020 đến nay, cả nước đang ở trong giai đoạn khó khăn khi dịch COVID-19 đe dọa đến nhiều thành quả kinh tế- xã hội đã đạt được. Đây cũng là thời điểm mà công tác chăm sóc sức khỏe cho toàn dân càng cần được chú trọng, và chính sách BHYT đang giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Bởi vậy, việc thực hiện BHYT HSSV càng cần được tiếp tục triển khai quyết liệt và triệt để, để 100% thế hệ trẻ được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thông qua BHYT, trong bối cảnh những rủi ro và tổn thương về sức khỏe, thể chất ngày càng khó lường. Quyết tâm chính trị này luôn cần sự chung sức, đồng lòng của gia đình, nhà trường, các cấp, các ngành và toàn xã hội, để mỗi chủ nhân tương lai của đất nước được hưởng một nền giáo dục toàn diện, được bảo đảm đầy đủ các quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được an sinh xã hội quy định tại Hiến pháp, Luật BHYT, Luật Giáo dục và Luật Trẻ em.■
TS.Phạm Lương Sơn- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số